1

Mãn kinh và bệnh Alzheimer, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ

Bạn có nhận thấy rằng gần đây mình hay quên những điều đơn giản trong cuộc sống thường nhật như chỗ để chìa khóa, quên đem theo ví tiền, bỏ quên điện thoại hay nghĩ mãi không ra tên của một người nào đó? Đây là những điều bình thường mà rất nhiều phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh khác cũng gặp phải.
alzheimer's Mãn kinh và bệnh Alzheimer, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ

Nội dung chính của bài viết:

  • Thông thường, nhiều người cho rằng hay quên là do sự lão hóa bình thường nhưng đôi khi đó có thể là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer.
  • Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung được dùng để chỉ tình trạng suy giảm trí nhớ mức độ nặng, gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất với biểu hiện là những vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ và chức năng, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.
  • Giống như các dạng suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ khác, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer là do những thay đổi trong não bộ.
  • Có thể sử dụng biện pháp cải thiện trí nhớ tại nhà, hoặc sử dụng liệu pháp hormone thay thế.
  • Tuy nhiên, khi thấy các triệu chứng sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày thì cần phải đi khám để bác sĩ có biện pháp can thiệp và khắc phục. 

Trên thực tế, hầu hết phụ nữ trong độ tuổi trung niên thường bị suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu bệnh Alzheimer Hoa Kỳ, hơn một nửa số người trên 65 tuổi cho biết họ hay quên hơn so với khi còn trẻ.

Theo Hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ, Alzheimer chiếm khoảng 60 đến 80% các trường hợp sa sút trí tuệ. Đây là một bệnh không thể chữa khỏi và sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Ngoài Alzheimer, một số dạng sa sút trí tuệ khác còn có bệnh Parkinson và bệnh Huntington.

Rất khó phân biệt hiện tượng thỉnh thoảng hay quên thông thường và triệu chứng của những vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số cách nhận biết và những dấu hiệu cần phải đi khám.

Tại sao lại bị suy giảm trí nhớ khi mãn kinh?

Khi chúng ta già đi, chức năng của các bộ phận khác nhau trong cơ thể sẽ suy giảm, bao gồm cả não bộ. Những thay đổi về hóa học và vật lý trong não sẽ khiến cho việc học những điều mới trở nên khó khăn hơn, khó nhớ thông tin một cách chính xác hơn và hay quên hơn.

Một sự thay đổi lớn trong cơ thể có thể gây ra chứng hay quên trong thời kỳ mãn kinh là giảm nồng độ hormone. Estrogen là một loại hormone chính có tác động đến trí nhớ trước và trong thời kỳ mãn kinh. Hormone này có vai trò điều chỉnh nồng độ của nhiều loại hóa chất trong não cũng như là nhiều chức năng của hệ thần kinh.

Khi nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đi – điều xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh - thì hormone này không còn tham gia vào các chức năng của não bộ như bình thường được nữa. Điều này gây ảnh hưởng đến chức năng của não và dẫn đến các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn. Sự suy giảm estrogen này còn gây ra những triệu chứng khác trong thời kỳ mãn kinh như lo âu, buồn bã, bồn chồn, bốc hỏa và rối loạn giấc ngủ - đây đều là những vấn đề có thể làm suy giảm trí nhớ.

Cải thiện trí nhớ bằng cách nào?

Thỉnh thoảng hay quên có thể là do quá trình lão hóa tự nhiên nhưng dù vậy thì cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng việc thay thế một số hormone tự nhiên bị suy giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể giúp đẩy lùi vấn đề suy giảm trí nhớ mà phụ nữ thường gặp phải khi có tuổi.

Nếu vấn đề về trí nhớ đang gây cản trở các hoạt động thường ngày thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn về liệu pháp hormone thay thế (HRT).

Mục tiêu của liệu pháp hormone thay thế là tạm thời cung cấp lượng hormone bị thiếu hụt để làm chậm một số thay đổi lớn diễn ra với cơ thể trong thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp này thường cung cấp estrogen liều thấp hoặc estrogen kết hợp với progesterone (một loại hormone sinh dục nữ khác) để làm giảm các triệu chứng mãn kinh, như:

  • Hay quên
  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Thay đổi tâm trạng thất thường

Liệu pháp hormone thay thế còn giúp cải thiện sự chắc khỏe của xương và làm chậm tốc độ giảm mật độ xương – một vấn đề thường xảy ra khi có tuổi.

Liệu pháp hormone không phải là một giải pháp lâu dài để điều trị các vấn đề về trí nhớ do lão hóa vì việc sử dụng estrogen trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như:

  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Huyết khối
  • Ung thư vú

Hiệu quả thực sự của liệu pháp hormone thay thế đối với chứng sa sút trí tuệ vẫn chưa được khẳng định rõ. Các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa đưa ra kết quả đồng nhất. Ngoài ra, liệu pháp hormone thay thế còn không phù hợp cho những phụ nữ có tiền sử:

  • một số bệnh ung thư, như ung thư vú và ung thư buồng trứng
  • huyết khối
  • đột quỵ

Ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác cũng nằm trong danh sách chống chỉ định của liệu pháp hormone. Nên đi khám để được bác sĩ tư vấn phương pháp này có phù hợp với bạn hay không.

Biện pháp cải thiện trí nhớ tại nhà

Ngoài liệu pháp hormone thay thế ra thì còn có một số biện pháp đơn giản hơn mà bạn có thể thực hiện tại nhà để cải thiện trí nhớ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng để duy trì các chức năng của não bộ ở trạng thái tốt một cách lâu dài thì cần thường xuyên rèn luyện trí não. Một số cách để rèn luyện trí nào gồm có:

  • Chơi các trò chơi trí tuệ như giải ô chữ
  • Học chơi một nhạc cụ
  • Tham gia các môn thể thao đồng đội như bóng chuyền, cầu lông
  • Đọc nhiều sách báo
  • Thử viết lách, có thể chỉ cần viết về những điều đơn giản xung quanh mình
  • Học một ngoại ngữ

Hãy cố gắng thực hiện nhiều hoạt động trong số này để duy trì và cải thiện chức năng não bộ.

Vì căng thẳng cũng có tác động tiêu cực đến trí nhớ nên khi bị căng thẳng thì cần có những biện pháp thư giãn như:

  • Ngồi thiền
  • Tập yoga
  • Các bài tập hít thở
  • Tập thái cực quyền

Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 2012 đã chỉ ra rằng luyện tập thái cực quyền ba lần một tuần có thể cải thiện kỹ năng tư duy và trí nhớ.

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và từ đó giúp ích cho trí nhớ. Những thói quen lành mạnh mà bạn nên thực hiện gồm có:

  • Ngủ đủ giấc
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe

Khi nào cần đi khám?

Các dạng sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer, thường khởi phát chậm nên khó mà phân biệt với hiện tượng suy giảm trí nhớ bình thường do lão hóa. Tuy nhiên, Hiệp hội Alzheimer đã đưa ra một số điểm khác biệt như sau:

Triệu chứng sa sút trí tuệ:

  • Khả năng nhận định và đưa ra quyết định kém
  • Khó tập trung
  • Gặp khó khăn khi thực hiện những việc đơn giản thường ngày, ví dụ như ra chợ nhưng không nhớ mình cần mua gì
  • Thường xuyên quên thứ, ngày, tháng và thậm chí là năm
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp bình thường, quên những từ thông dụng
  • Thường xuyên mất đồ và không thể tìm thấy

Các vấn đề về trí nhớ thông thường do lão hóa:

  • Thi thoảng quên những điều lặt vặt nhưng sau đó sẽ nhớ ra
  • Đôi khi không nhớ được một từ hoặc tên một người nào đó
  • Thỉnh thoảng thất lạc đồ nhưng cố nhớ thì vẫn có thể tìm thấy

Các triệu chứng khác của chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, gồm có:

  • Đầu óc mơ hồ, lú lẫn
  • Quên những thói quen vẫn thường làm hàng ngày
  • Cảm thấy xa lạ ở những nơi vẫn thường đến trước đây
  • Không hiểu được hình ảnh trực quan và các mối quan hệ không gian (như độ sâu và khoảng cách)
  • Khó diễn đạt
  • Không còn hứng thú với các sự vật, sự việc xung quanh
  • Thay đổi tính cách hoặc tâm trạng trong thời gian dài
  • Lặp đi lặp lại một vài câu nói

Cần đi khám bác sĩ ngay nếu bản thân hoặc người thân có những dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer. Khi phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp thích hợp thì có thể làm chậm tốc độ tiến triền của những vấn đề về trí nhớ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.

5 cách giảm mệt mỏi vào thời kỳ mãn kinh
5 cách giảm mệt mỏi vào thời kỳ mãn kinh

Khi đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp phải nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau và mệt mỏi là một trong số đó.

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến ham muốn tình dục?
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến ham muốn tình dục?

Mãn kinh có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?
Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?

Sau khi mãn kinh (được gọi là giai đoạn hậu mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe. Để duy trì sức khỏe trong giai đoạn sau mãn kinh, bạn cần biết được những thay đổi này và chuẩn bị một cách tốt nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây