1

Loét dạ dày: Triệu chứng và cách điều trị

Loét dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi nhưng nếu trì hoãn hoặc không điều trị đúng cách thì tình trạng sẽ ngày càng nặng và còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Loét dạ dày: Triệu chứng và cách điều trị Loét dạ dày: Triệu chứng và cách điều trị

Loét dạ dày là gì?

Loét dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị viêm và dần tạo thành những ổ loét gây đau đớn. Loét dạ dày có thể đi kèm với loét tá tràng và tình trạng này được gọi là viêm loét dạ dày - tá tràng.

Viêm loét dạ dày xảy ra khi lớp dịch nhầy bảo vệ dạ dày bị giảm đi. Lớp dịch nhầy này vốn có vai trò bảo vệ lớp mô lót thành trong của dạ dày không bị axit ăn mòn. Do đó, khi chất nhầy bị giảm, axit tiêu hóa sẽ bắt đầu phá hủy niêm mạc dạ dày và gây viêm loét.

Loét dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi nhưng nếu trì hoãn hoặc không điều trị đúng cách thì tình trạng sẽ ngày càng nặng và còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày

Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày là:

  • Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)
  • Sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen trong thời gian dài

Ngoài ra, một tình trạng gọi là hội chứng Zollinger - Ellison cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Đây là một bệnh lý mà hệ tiêu hóa hình thành một hoặc nhiều khối u. Các khối u này tiết ra hormone gastrin khiến cho dạ dày tiết ra nhiều axit và dần dần gây viêm loét. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân rất hiếm gặp. Theo thống kê, chỉ có chưa đầy 1% các trường hợp viêm loét dạ dày là do hội chứng Zollinger - Ellison gây nên.

Triệu chứng loét dạ dày

Loét dạ dày gây ra nhiều triệu chứng với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của các vết loét. Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc đau ở vùng giữa bụng (đau trên rốn). Thông thường, các cơn đau thường trở nên dữ dội hơn khi dạ dày trống không và có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của loét dạ dày còn có:

  • Đau bụng âm ỉ
  • Sụt cân
  • Không muốn ăn uống do đau
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đầy hơi
  • Cảm thấy nhanh no dù chỉ ăn ít
  • Ợ chua hay trào ngược axit
  • Ợ nóng, gây cảm giác nóng rát ở ngực
  • Cơn đau dữ dội lúc đói và đỡ hơn khi ăn hoặc uống thuốc kháng axit
  • Các triệu chứng thiếu máu như người mệt mỏi, khó thở hoặc da tái
  • Phân đen
  • Ói ra máu hoặc chất cặn màu nâu đen giống như bã cà phê

Nên đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên. Kể cả khi cảm giác khó chịu chỉ rất nhẹ và không ảnh hưởng gì nhiều nhưng nếu không được điều trị, những vết loét sẽ ngày càng trở nên nặng hơn, gây xuất huyết và thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Chẩn đoán loét dạ dày

Việc chẩn đoán phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, trước tiên bác sĩ sẽ lấy bệnh sử và hỏi rõ các triệu chứng cũng như là tất cả các loại thuốc cả kê đơn hoặc không kê đơn mà bạn đang dùng.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày nên cần làm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm hơi thở để kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn này. Khi xét nghiệm hơi thở, bạn sẽ thở vào hai túi đựng riêng biệt, một trước và một sau khi uống thuốc có chứa ure gắn đồng vị carbon C13 hoặc C14. Nếu nhiễm HP, mẫu hơi thở sau khi uống thuốc sẽ chứa hàm lượng carbon dioxide cao hơn bình thường.

Các phương pháp khác cũng được sử dụng để chẩn đoán viêm loét dạ dày còn có:

  • X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang: Uống một loại dung dịch cản quang đặc (barium sulfate) và chụp X-quang. Dung dịch này sẽ bao phủ bề mặt trong của đường tiêu hóa trên và cho phép bác sĩ quan sát dạ dày và ruột non trên hình ảnh X-quang.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên (EGD): Một ống nội soi nhỏ, linh hoạt có đầu chiếu sáng được đưa qua miệng vào dạ dày và phần đầu của ruột non (tá tràng). Phương pháp này được sử dụng để phát hiện các vết loét, vị trí chảy máu và những vùng mô bất thường.
  • Sinh thiết nội soi: Dùng kỹ thuật nội soi để lấy một mẫu mô dạ dày nhỏ và phân tích trong phòng thí nghiệm.

Điều trị loét dạ dày

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm loét. Đa số các trường hợp viêm loét dạ dày đều chỉ cần điều trị bằng thuốc nhưng trong một số ít trường hợp, người bệnh cần phải làm phẫu thuật.

Dù là nguyên nhân nào thì cũng đều phải điều trị kịp thời. Nếu ổ loét gây xuất huyết, bạn có thể phải nhập viện để điều trị tích cực bằng nội soi và truyền thuốc qua đường tĩnh mạch hoặc truyền máu.

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật

Nếu nguyên nhân của viêm loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP thì sẽ cần uống thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton. Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn còn thuốc ức chế bơm proton ngăn chặn các tế bào dạ dày sản sinh axit tiêu hóa.

Ngoài các phương pháp điều trị này, bác sĩ có thể còn chỉ định:

  • Thuốc kháng histamine H2 (cũng ức chế sự sản sinh axit trong dạ dày)
  • Ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc kháng viêm không steroid
  • Dùng men vi sinh (để bổ sung lợi khuẩn tiêu diệt vi khuẩn HP)
  • Dùng bismuth subsalicylate
  • Nội soi tái khám sau điều trị

Các triệu chứng loét thường dịu đi nhanh chóng khi điều trị. Nhưng ngay cả khi không còn các triệu chứng thì bạn vẫn phải tiếp tục dùng thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi nhiễm khuẩn HP để đảm bảo tất cả vi khuẩn bị loại bỏ hoàn toàn.

Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm loét dạ dày thường đi kèm với một số tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng

Những tác dụng phụ này thường chỉ là tạm thời nhưng nếu cảm thấy quá khó chịu thì cần nói chuyện với bác sĩ để điều chỉnh đơn thuốc.

Phẫu thuật

Trong một số ít trường hợp, người bị loét dạ dày sẽ phải phẫu thuật. Đây thường là những trường hợp mà:

  • Tình trạng viêm loét tiếp tục tái phát
  • Vết loét không lành
  • Xuất huyết dạ dày
  • Thủng dạ dày
  • Các vết loét gây hình thành sẹo, cản trở thức ăn được đẩy khỏi dạ dày vào ruột non

Các phương pháp phẫu thuật gồm có:

  • Cắt dạ dày để loại bỏ toàn bộ ổ loét
  • Lấy mô từ một phần khác của ruột và vá lên vị trí loét
  • Thắt động mạch bị vỡ gây chảy máu
  • Cắt đứt tín hiệu thần kinh đến dạ dày để giảm sản sinh axit

Chế độ ăn uống

Nhiều người cho rằng chế độ ăn uống nhiều đồ chua cay là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày nhưng trên thực tế, điều này là không đúng. Đồ ăn chua cay chỉ là một trong các tác nhân gây kích thích dạ dày hoặc khiến cho tình trạng viêm loét hiện tại thêm đau đớn hơn chứ không phải nguyên nhân trực tiếp gây loét.

Dù các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày không gây ra và cũng không thể chữa viêm loét dạ dày nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh luôn có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể.

Nói chung, khi bị viêm loét dạ dày hay các bệnh về đường tiêu hóa thì nên ăn nhiều trái cây, rau xanh và các thực phẩm giàu chất xơ khác.

Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm còn giúp chống lại vi khuẩn H. pylori hoặc tăng cường lợi khuẩn cho cơ thể như:

  • Bông cải xanh hoặc trắng, bắp cải và củ cải
  • Các loại rau xanh
  • Các loại thực phẩm chứa men vi sinh (probiotic), chẳng hạn như dưa muối, trà kombucha, sữa chua (đặc biệt là những loại có lợi khuẩn Lactobacillus và Sacharomyces)
  • Táo
  • Quả việt quất, mâm xôi, dâu tây và mâm xôi đen
  • Dầu ô liu
  • Mật ong
  • Thực phẩm giàu glutamine như thịt gà, cá, trứng, bắp cải, củ dền,…

Tuy nhiên, những thực phẩm nói trên không thể thay thế cho thuốc kê đơn hoặc phác đồ điều trị của bác sĩ.

Loét dạ dày thường đi kèm với tình trạng trào ngược axit nên tốt nhất cần tránh xa các loại thực phẩm cay và chua trong thời gian chờ các vết loét lành lại.

Biến chứng của loét dạ dày

Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm loét dạ dày thì nên đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời vì nếu không điều trị, loét dạ dày có thể gây ra:

  • Xuất huyết: chảy máu từ vị trí ổ loét và có thể đe dọa đến tính mạng
  • Thủng dạ dày: xảy ra khi ổ loét tạo thành lỗ hở trên thành dạ dày
  • Rò ổ loét: ổ loét ăn xuyên qua thành dạ dày và sang một cơ quan lân cận, chẳng hạn như tuyến tụy
  • Tắc nghẽn trong đường tiêu hóa do sưng quanh vùng bị viêm
  • Ung thư dạ dày

Các biến chứng này thường có các dấu hiệu dưới đây:

  • Mệt mỏi, người không có sức lực
  • Khó thở
  • Nôn hoặc ngoài ra phân màu đỏ hoặc tối màu
  • Đột ngột đau bụng dữ dội mà không có dấu hiệu thuyên giảm

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì phải đến bệnh viện khám ngay.

Ngăn ngừa loét dạ dày

Để tránh nhiễm vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, hãy rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, nhất là trước khi ăn uống và nấu nướng. Ngoài ra, cần rửa sạch sẽ các loại thực phẩm và nấu chín kỹ, hạn chế ăn đồ sống.

Để ngăn ngừa viêm loét dạ dày do thuốc chống viêm không steroid, cần ngừng sử dụng các loại thuốc này (nếu có thể) hoặc hạn chếmột cách tối đa. Nếu bắt buộc phải dùng thì cần tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo, không tự ý tăng liều, tránh uống rượu trong khi dùng thuốc, luôn phải uống thuốc khi no và uống cùng với nhiều nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: triệu chứng, dạ dày
Tin liên quan
Trào ngược axit có những triệu chứng nào?
Trào ngược axit có những triệu chứng nào?

Trào ngược axit có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường gặp các triệu chứng vào ban đêm.

Viêm dạ dày mạn tính điều trị bằng cách nào?
Viêm dạ dày mạn tính điều trị bằng cách nào?

Nếu cứ để tình trạng viêm dạ dày mạn tính tiếp diễn mà không có biện pháp điều trị thì sẽ có nguy cơ bị loét và xuất huyết dạ dày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây