1

Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao bị hội chứng ruột kích thích. Một người có thể mắc phải cả hai cùng một lúc và hai bệnh lý này đôi khi cũng bị chẩn đoán nhầm với nhau.
Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích

Nội dung chính của bài viết

  • Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích đều là những vấn đề rất phổ biến. Tổ chức Lạc nội mạc tử cung Hoa Kỳ ước tính có khoảng 10% phụ nữ mắc phải vấn đề này.

  • Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích là hai bệnh lý có triệu chứng tương tự nhau.

  • Theo các nghiên cứu gần đây thì những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao gấp 2.5 lần so với những người không bị.

  • Việc điều trị kịp thời sẽ giúp làm giảm nguy cơ này.

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao bị hội chứng ruột kích thích. Một người có thể mắc phải cả hai cùng một lúc và hai bệnh lý này đôi khi cũng bị chẩn đoán nhầm với nhau. Tại sao lại như thế? Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích thì có liên quan gì đến nhau? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà loại mô vốn chỉ có trong tử cung (niêm mạc tử cung hay nội mạc tử cung) lại phát triển ở các khu vực khác của cơ thể, ví dụ như ống dẫn trứng, buồng trứng, túi cùng Douglas, bề mặt ngoài của tử cung, bề mặt khoang chậu... Ngoài các cơ quan trong hệ sinh duc, mô nội mạc tử cung cũng có thể phát triển ở ruột và gây ra các triệu chứng giống như hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích gây ra các triệu chứng ở hệ tiêu hóa, gồm có đau bụng, trướng bụng, táo bón và tiêu chảy. Tuy nhiên, vấn đề này không gây tổn hại đến đường ruột giống như các bệnh đường tiêu hóa khác như viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn.

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn so với những người không bị. Nhiều phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung ở ruột (mô nội mạc tử cung phát triển ở ruột) và các cơ quan lân cận thường bị chẩn đoán nhầm thành hội chứng ruột kích thích.

Các triệu chứng

Lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích có chung nhiều triệu chứng phổ biến. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.

Một triệu chứng phổ biến của cả lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích là các cơ quan nội tạng trở nên nhạy cảm hơn bình thường, có nghĩa là khả năng chịu đau thấp hơn nên các cơn đau bụng hoặc đau vùng chậu trở nên dữ dội hơn. Nguyên nhân là do đầu mút dây thần kinh của những người mắc các bệnh này trở nên đặc biệt nhạy và điều này làm tăng mức độ các cơn đau.

Triệu chứng chung

Một số triệu chứng của cả lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích gồm có:

  • Đau bụng
  • Trướng bụng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đau khi đi ngoài

Do những điểm chung này nên rất khó để phân biệt lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích nếu chỉ dựa trên các triệu chứng.

Nguyên nhân

Hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân tại sao mô niêm mạc tử cung lại có ở những cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng đây là bệnh có thể di truyền.

Tương tự, nguyên nhân gốc rễ gây hội chứng ruột kích thích cũng chưa được xác định rõ mà chỉ biết rằng bệnh này bắt nguồn từ phản ứng viêm. Một số người bị hội chứng ruột kích thích sau khi bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm ruột mạn tính.

Phương pháp chẩn đoán

Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể chẩn đoán được lạc nội mạc tử cung hay hội chứng ruột kích thích. Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, bác sĩ thường phải loại trừ các bệnh lý, vấn đề khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ như:

  • Không dung nạp gluten
  • Các bệnh truyền nhiễm
  • Bệnh viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn
  • Không dung nạp lactose

Có thể sẽ cần làm xét nghiệm máu để phát hiện các hợp chất gây viêm - dấu hiệu chỉ ra chứng không dung nạp gluten hoặc lactose. Một số trường hợp cần làm xét nghiệm mẫu phân để kiểm tra xem có lẫn máu hoặc các vi sinh vật truyền nhiễm hay không.

Ngoài ra sẽ phải nội soi đường tiêu hóa trên hoặc nội soi đại tràng để bác sĩ kiểm tra niêm mạc thực quản, dạ dày và đại tràng nhằm xác định những dấu hiệu bất thường.

Để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như:

  • Khám lâm sàng để phát hiện các vị trí có sẹo hoặc u cục bất thường.
  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm để kiểm tra xem có u nang hoặc những vùng mô dày lên trong tử cung và các khu vực khác hay không.
  • Thử dùng thuốc: bác sĩ kê các loại thuốc nội tiết thường được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung. Nếu các triệu chứng có thuyên giảm thì khả năng vấn đề đúng là lạc nội mạc tử cung.
  • Sinh thiết: cách duy nhất để xác nhận chính xác lạc nội mạc tử cung là phải phẫu thuật nội soi để lấy mẫu mô bất thường và phân tích xem có phải là mô niêm mạc tử cung hay không.

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ sử dụng những phương pháp chẩn đoán khác nhau. Sau đó khi có kết quả, bác sĩ sẽ dựa vào đó để chỉ định giải pháp điều trị thích hợp.

Biện pháp điều trị

Việc điều trị lạc nội mạc tử cung sẽ phụ thuộc vào vị trí mà các tế bào bất thường hình thành trong cơ thể.

Nếu lạc nội mạc tử cung xảy ra ở ruột thì trước tiên bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp hormone, gồm có thuốc tránh thai đường uống hoặc vòng tránh thai nội tiết. Lượng hormone từ những phương pháp này sẽ giúp làm giảm các vấn đề như đau bụng và kinh nguyệt ra nhiều.

Nếu liệu pháp hormone không có tác dụng thì có thể phải phẫu thuật để loại bỏ các vùng mô nội mạc tử cung phát triển bất thường. Phương pháp này sẽ giúp tăng khả năng sinh sản cho phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung.

Đối với hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên các triệu chứng. Một số loại thuốc được dùng để điều trị vấn đề này gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm: gồm có thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI), ví dụ như citalopram (Celexa), fluoxetine (Prozac) hoặc sertraline (Zoloft) và thuốc chống trầm cảm ba vòng, ví dụ như amitriptyline (Elavil).
  • Thuốc chống nôn: gồm có loperamid, rifaximin hoặc eluxadoline (Viberzi).
  • Thuốc trị táo bón: gồm có thuốc nhuận tràng, lubiprostone (Amitiza), linaclotide (Linzess) hoặc plecanatide (Trulance).

Ngoài các loại thuốc kê đơn, người bệnh sẽ cần đến các phương pháp trị liệu giảm căng thẳng nếu đây là tác nhân kích hoạt các đợt bùng phát triệu chứng hội chứng ruột kích thích.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể làm giảm triệu chứng đau vùng chậu hoặc đau bụng của lạc nội mạc tử cung.

Người bệnh có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen và chườm nóng hoặc lạnh vào vùng bụng dưới, thắt lưng để làm dịu cơn đau.

Đối với hội chứng ruột kích thích thì có thể cải thiện tình trạng bệnh và tránh xảy ra các triệu chứng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, ví dụ như:

  • Ăn những thực phẩm có chứa ít chất bảo quản, hương liệu và chất tạo màu. Đây là một phần của chế độ ăn ít FODMAP.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh và các loại đậu.
  • Tránh ăn những thực phẩm có chứa gluten.
  • Uống men vi sinh (probiotic) để bổ sung thêm vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Ngoài ra, giảm căng thẳng cũng sẽ giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Một số biện pháp hữu hiệu để thư giãn và giảm căng thẳn gồm có tập thể dục thường xuyên, yoga và ngồi thiền.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu nhận thấy các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung hoặc hội chứng ruột kích thích như:

  • Thay đổi trong thói quen đại tiện, chẳng hạn như thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đau đớn dữ dội khi đến kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng chậu
  • Đau bụng

Mặc dù các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích hiếm khi cần can thiệp khẩn cấp nhưng sẽ khiến người bệnh vô cùng đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi nhận thấy những biểu hiện bất thường thì cần đến bệnh viện khám để có biện pháp can thiệp điều trị từ sớm.

Có thể chữa khỏi không?

Mặc dù hiện tại chưa có cách chữa khỏi lạc nội mạc tử cung và hội chứng ruột kích thích nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát triệu chứng của cả hai vấn đề này.

Ngoài hội chứng ruột kích thích, lạc nội mạc tử cung còn làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề, bệnh lý khác như:

  • Phản ứng dị ứng
  • Hen phế quản
  • Các bệnh tự miễn, ví dụ như đa xơ cứng và lupus ban đỏ
  • Ung thư, ví dụ như ung thư vú và ung thư buồng trứng
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
  • Đau cơ xơ

Do đó, khi bị lạc nội mạc tử cung thì cần điều trị sớm để giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra những vấn đề này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tử cung, hội chứng
Tin liên quan
Các biện pháp khắc phục triệu chứng lạc nội mạc tử cung tại nhà
Các biện pháp khắc phục triệu chứng lạc nội mạc tử cung tại nhà

Lạc nội mạc tử cung gây ra nhiều triệu chứng đau đớn, đặc biệt là vào kỳ kinh nguyệt. Các biện pháp khắc phục tại nhà nêu trên có thể giúp làm giảm phần nào các triệu chứng nhưng vẫn phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác mà bác sĩ chỉ định.

Lạc nội mạc tử cung bàng quang có những triệu chứng nào?
Lạc nội mạc tử cung bàng quang có những triệu chứng nào?

Lạc nội mạc tử cung bàng quang là một dạng hiếm gặp của lạc nội mạc tử cung, xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển bên trong hoặc trên bề mặt của bàng quang.

U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là một dạng lạc nội mạc tử cung phổ biến và các triệu chứng thường có thể kiểm soát được bằng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ cần làm phẫu thuật để cắt bỏ các u nang.

Khắc phục triệu chứng chướng bụng do lạc nội mạc tử cung
Khắc phục triệu chứng chướng bụng do lạc nội mạc tử cung

Bên cạnh đau vùng chậu và kinh nguyệt bất thường, đầy hơi và chướng bụng cũng là một trong những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung ở ruột điều trị bằng cách nào?
Lạc nội mạc tử cung ở ruột điều trị bằng cách nào?

Có nhiều loại lạc nội mạc tử cung khác nhau và được phân loại dựa trên vị trí mà mô nội mạc tử cung hình thành. Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung xảy ra ở trên bề mặt hoặc bên trong ruột.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây