1

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là gì?

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là dạng ít gặp hơn nhiều so với các dạng lạc nội mạc tử cung khác.
Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là gì? Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là gì?

Nội dung chính của bài viết

  • Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là dạng ít gặp hơn nhiều so với các dạng lạc nội mạc tử cung khác. Bệnh này xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở cơ hoành.
  • Bệnh này thường gây đau ở ngực, bụng trên, vai phải, cánh tay.
  • Vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này, nhưng nguyên nhân được nhiều người đồng tình nhất đến nay là do kinh nguyệt trào ngược.
  • Nếu như bị lạc nội mạc tử cung nhưng không có triệu chứng thì có thể chưa cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi.
  • Trong những trường hợp có triệu chứng thì có thể sẽ cần kết hợp phẫu thuật và dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng.
  • Trong một số ít trường hợp, lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành có thể gây ra các lỗ thủng ở cơ.

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là gì?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa gây đau đớn trong đó mô nội mạc tử cung phát triển ở các bộ phận khác của khoang bụng và vùng chậu. Có nhiều loại lạc nội mạc tử cung khác nhau, trong đó có lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành.

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở cơ hoành.

Cơ hoành là cơ hình vòm nằm bên dưới lồng ngực, ngăn cách lồng ngực với ổ bụng và có vai trò giúp chúng ta hô hấp. Khi lạc nội mạc tử cung xảy ra ở cơ hoành thì thường mô nội mạc tử cung phát triển ở vùng bên phải của cơ. Ở đa số những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành thì vấn đề này cũng xảy ra ở cả các cơ quan trong vùng chậu.

Khi phát triển ở bên trong cơ hoành, mô nội mạc tử cung sẽ vẫn phản ứng với sự dao động nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt giống như mô bên trong tử cung và cũng dày lên rồi bong ra.

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là dạng ít gặp hơn nhiều so với các dạng lạc nội mạc tử cung khác. Đa số các trường hợp lạc nội mạc tử cung đều xảy ra ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bề mặt ngoài của tử cung và các cơ quan khác trong vùng chậu. Uớc tính có khoảng 8 đến 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị lạc nội mạc tử cung và có tới 50% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung khó thụ thai. Trong số những trường hợp làm phẫu thuật để điều trị lạc nội mạc tử cung thì chỉ có khoảng 0.6 đến 1.5% xảy ra ở cơ hoành.

Các triệu chứng

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Tuy nhiên nếu có thì bệnh thường gây đau ở những khu vực dưới đây:

  • Ngực
  • Bụng trên
  • Vai phải
  • Cánh tay

Những cơn đau này thường xảy ra vào khoảng thời gian trước và trong kỳ kinh nguyệt, dữ dội và trở nên nặng hơn mỗi khi hít thở hoặc ho. Trong một số ít trường hợp, vấn đề này có thể dẫn đến xẹp phổi.

Nếu lạc nội mạc tử cung xảy ra trong các khu vực, bộ phận trong vùng chậu thì sẽ còn có các triệu chứng khác như:

  • Đau vùng chậu, đặc biệt là trước và trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ
  • Ra máu ồ ạt vào kỳ kinh hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Khó thụ thai

Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành

Hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành cũng như là các loại lạc nội mạc tử cung khác. Nguyên nhân được nhiều người đồng tình nhất cho đến thời điểm hiện tại là kinh nguyệt trào ngược.

Đây là tình trạng mà vào kỳ kinh nguyệt, máu không chảy ra bên ngoài cơ thể mà lại chảy ngược qua ống dẫn trứng và vào vùng chậu. Những tế bào niêm mạc tử cung trong máu sẽ di chuyển khắp ổ bụng, vùng chậu và có thể bám vào cơ hoành.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết phụ nữ đều đã từng trải qua hiện tượng kinh nguyệt trào ngược ít nhất một lần nhưng rất ít trong số đó bị lạc nội mạc tử cung. Vì vậy nên nhiều giả thuyết nghi ngờ nguyên nhân là do hệ miễn dịch. Vấn đề bất thường xảy ra với hệ miễn dịch khiến cho cơ thể không thể nhận ra và phá hủy các mô nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung.

Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung còn có thể là do những nguyên nhân khác gây ra, gồm có:

  • Biến đổi tế bào: Nội tiết tố hoặc các yếu tố miễn dịch thúc đẩy các tế bào phúc mạc - tế bào bao phủ bề mặt bên trong khoang bụng - thành các tế bào giống như tế bào nội mạc tử cung.
  • Di truyền: Lạc nội mạc tử cung đã được chứng minh là có thể di truyền trong gia đình.
  • Phản ứng viêm: Nghiên cứu đã tìm ra nhiều chất gây phản ứng viêm trong các tế bào nội mạc tử cung phát triển bất thường.
  • Sự phát triển tế bào phôi thai: Các nội tiết tố như estrogen có thể biến đổi các tế bào phôi thai thành tế bào nội mạc tử cung trong giai đoạn dậy thì.

Phương pháp chẩn đoán

Đôi khi, lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành không biểu hiện triệu chứng và ngay cả khi có các triệu chứng thì cũng dễ bị nhầm với các vấn đề khác, ví dụ như căng cơ.

Vì vấn đề này rất hiếm gặp nên có thể ngay cả bác sĩ cũng không thể chẩn đoán được dựa trên các triệu chứng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa lạc nội mạc tử cung và các bệnh lý, vấn đề khác là các triệu chứng lạc nội mạc tử cung thường trở nên nặng hơn trong vài ngày trước và trong kỳ kinh nguyệt.

Đôi khi lạc nội mạc tử cung chỉ được phát hiện ra trong khi quá trình làm phẫu thuật để chẩn đoán một vấn đề khác.

Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường và nghi là lạc nội mạc tử cung thì nên đi khám để thực hiện các biện pháp chẩn đoán cần thiết.

Có thể cần tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI để xác định xem mô nội mạc tử cung có phát triển ở cơ hoành và các cơ quan khác hay không. Chụp cộng hưởng từ và siêu âm là hai phương pháp được sử dụng phổ biến để phát hiện lạc nội mạc tử cung trong vùng chậu.

Tuy nhiên, cách chính xác nhất để xác nhận lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là bằng cách phẫu thuật nội soi ổ bụng. Với thủ thuật này, bác sĩ rạch một vài đường nhỏ ở bụng, sau đó đưa ống nội soi vào để quan sát cơ hoành và tìm mô nội mạc tử cung. Một mẫu mô nhỏ được lấy ra và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết.

Khi đã xác nhận là mô nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán dựa trên vị trí, kích thước và số lượng mô.

Lạc nội mạc tử cung được chia ra thành 4 giai đoạn. Tuy nhiên, việc phân chia giai đoạn này không dựa trên các triệu chứng. Ngay cả các trường hợp lạc nội mạc tử cung giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 cũng có thể có các triệu chứng nghiêm trọng.

Lạc nội mạc tử cung tiến triển qua 4 giai đoạn gồm có:

  • Giai đoạn 1: Có các mảng mô nội mạc tử cung nhỏ ở vùng chậu và các cơ quan khác
  • Giai đoạn 2: Có những mảng mô lớn hơn, xuất hiện ở nhiều khu vực hơn so với giai đoạn 1 nhưng mới chỉ hình thành sẹo ở mức tối thiểu
  • Giai đoạn 3: Các cơ quan trong vùng chậu và ổ bụng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi mô sẹo
  • Giai đoạn 4: Các mảng mô nội mạc tử cung lan rộng và sẹo đã ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan

Phương pháp điều trị

Nếu như kết luận là lạc nội mạc tử cung nhưng không có triệu chứng thì có thể chưa cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi. Trong thời gian này, người bệnh sẽ cần đi tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra sự tiến triển của bệnh.

Trong những trường hợp có triệu chứng thì có thể sẽ cần kết hợp phẫu thuật và dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp chính để điều trị lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành.

Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện bằng một trong các kỹ thuật sau:

  • Kỹ thuật mổ mở: Trong thủ thuật này, bác sĩ tạo đường mổ dài qua thành bụng trên và sau đó loại bỏ các phần cơ hoành có mô nội mạc tử cung. Trong một nghiên cứu, phương pháp này đã làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung ở tất cả những phụ nữ tham gia và điều trị khỏi triệu chứng đau ngực, đau vai ở 7/8 phụ nữ.
  • Phẫu thuật nội soi lồng ngực: Bác sĩ đưa ống nội soi và các dụng cụ mổ vào qua các đường mổ nhỏ ở ngực để quan sát và loại bỏ các vùng mô nội mạc tử cung trong cơ hoành.
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Đưa ống nội soi và dụng cụ mổ vào vào qua đường mổ nhỏ ở bụng để loại bỏ các mảng mô nội mạc tử cung trong ổ bụng và vùng chậu.

Ngoài ra có thể sử dụng tia laser để điều trị các mô bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung. Phẫu thuật là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa sự hình thành mô sẹo - một biến chứng thường gặp khi bị lạc nội mạc tử cung. Nếu lạc nội mạc tử cung xảy ra ở cả cơ hoành và vùng chậu thì có thể sẽ cần phẫu thuật hai lần.

Dùng thuốc

Hai loại thuốc hiện đang được sử dụng phổ biến để điều trị lạc nội mạc tử cung là liệu pháp hormone và thuốc giảm đau.

Liệu pháp hormone có thể làm chậm sự phát triển của mô nội mạc tử cung và làm giảm hoạt động của những mô này ở bên ngoài tử cung.

Một số liệu pháp hormone gồm có:

  • Biện pháp tránh thai nội tiết, gồm có thuốc đường uống, miếng dán hoặc vòng tránh thai
  • Thuốc chủ vận GnRH (hormone giải phóng gonadotropin)
  • Danazol (Danocrine) nhưng loại thuốc này hiện ít được sử dụng
  • Tiêm progestin (Depo-Provera)

Ngoài ra, người bệnh sẽ cần dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn hoặc kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen để kiểm soát các cơn đau.

Có thể chữa khỏi không?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý mãn tính, chưa có cách chữa khỏi và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người mắc. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phương pháp để kiểm soát triệu chứng bệnh. Hiệu quả sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng lạc nội mạc tử cung và phương pháp điều trị.

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành có thể không biểu hiện triệu chứng nhưng nếu gây đau hoặc có các triệu chứng khác thì sẽ cần làm phẫu thuật để loại bỏ mô nội mạc tử cung hình thành bất thường.

Biến chứng

Trong một số ít trường hợp, lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành có thể gây ra các lỗ thủng ở cơ.

Điều này dẫn đến các biến chứng có thể đe dọa tính mạng như:

  • Xẹp phổi (tràn khí màng phổi) trong kỳ kinh nguyệt
  • Lạc nội mạc tử cung ở thành ngực hoặc phổi
  • Không khí và máu tràn vào khoang ngực

Phẫu thuật loại bỏ mô nội mạc tử cung trong cơ hoành sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng này.

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, ở nhiều phụ nữ bị loại lạc nội mạc tử cung này, vấn đề còn xảy ra ở cả buồng trứng và các cơ quan khác trong vùng chậu. Điều này sẽ gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản như vô sinh. Với những trường hợp này thì phẫu thuật loại bỏ mô nội mạc tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm là những giải pháp để tăng khả năng mang thai.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tử cung
Tin liên quan
Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo: Triệu chứng và cách điều trị
Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất.

Cắt đốt nội mạc tử cung được thực hiện như thế nào?
Cắt đốt nội mạc tử cung được thực hiện như thế nào?

Cắt đốt nội mạc tử cung là một trong những giải pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều (cường kinh) và không thể kiểm soát được bằng thuốc.

8 lời khuyên giúp phụ nữ dễ chịu hơn khi bị lạc nội mạc tử cung
8 lời khuyên giúp phụ nữ dễ chịu hơn khi bị lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng điển hình là đau vùng chậu hay đau bụng dưới và thắt lưng, gây cản trở công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sảy thai
Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sảy thai

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sẽ dễ bị sảy thai hơn những phụ nữ khỏe mạnh khác.

Cắt tử cung qua đường âm đạo: Thời gian phục hồi, quy trình thực hiện và rủi ro
Cắt tử cung qua đường âm đạo: Thời gian phục hồi, quy trình thực hiện và rủi ro

Cắt tử cung qua đường âm đạo là phương pháp khá an toàn, ít rủi ro.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây