1

Kinh nguyệt ra ít có bình thường không?

Kinh nguyệt ra ít có thể là hiện tượng bình thường và không phải điều đáng lo ngại. Kể cả khi hiện tượng ra máu kinh chỉ diễn ra trong 2 – 3 ngày thì vẫn được coi là bình thường.
Kinh nguyệt ra ít có bình thường không? Kinh nguyệt ra ít có bình thường không?

Nội dung chính của bài viết:

  • Kinh nguyệt ra ít có thể là hiện tượng bình thường và không phải điều đáng lo ngại. Kể cả khi hiện tượng ra máu kinh chỉ diễn ra trong 2 – 3 ngày thì vẫn được coi là bình thường.
  • Có nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít, đó là: tuổi tác; cân nặng; chế độ ăn uống; mang thai; cho con bú; sử dụng biện pháp tránh thai; tập luyện quá sức; stress; hội chứng buồng trứng đa nang hay do vấn đề sức khỏe khác. 
  • Nếu tình trạng kinh nguyệt ra ít tiếp diễn trong nhiều tháng liên tục và kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì có thể sẽ cần điều trị.
  • Nếu bị lỡ một kỳ kinh hoặc có hiện tượng ra máu nhỏ giọt giữa chu kỳ và nghĩ rằng mình có thể mang thai thì nên thử thai tại nhà hoặc đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác nhận kết quả.

Kinh nguyệt hay hành kinh là hiện tượng ra máu xảy ra khi niêm mạc tử cung bong ra, đi qua cổ tử cung và âm đạo. Đa số phụ nữ đều có kinh nguyệt diễn ra đều đặn hàng tháng.

Kinh nguyệt thường nhất quán về số ngày, mức độ ra máu và diễn ra sau từ 21 đến 35 ngày. Hiện tượng ra máu thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, kinh nguyệt có thể thay đổi theo thời gian và do một số yếu tố tác động. Ví dụ, khi đang mang thai thì sẽ không có kinh nguyệt do lớp niêm mạc tử cung không bong ra. Ở những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thì kinh nguyệt thường diễn ra thất thường, thời lượng và mức độ ra máu sẽ thay đổi.

Kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là khác nhau. Có người có kinh nguyệt đều đặn hàng tháng nhưng cũng có người có kinh nguyệt rất khó dự đoán.

Biểu hiện

Kinh nguyệt ra ít có những biểu hiện như:

  • Hiện tượng chảy máu kéo dài dưới hai ngày
  • Ra rất ít máu, có thể chỉ nhỏ giọt

Ngoài ra, hiện tượng này còn có thể đi kèm một số biểu hiện khác như

  • Lỡ một hoặc nhiều kỳ kinh
  • Kinh nguyệt đến sớm hơn thay vì chu kỳ 21 đến 35 ngày như bình thường

Thi thoảng kinh nguyệt đột nhiên có sự thay đổi so với những tháng trước đó có thể là điều bình thường và không đáng lo ngại nhưng bạn vẫn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và xác định nguyên nhân gốc rễ có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và mức độ ra máu vào mỗi kỳ kinh.

Nguyên nhân

Kinh nguyệt ra ít có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, gồm có:

Giai đoạn trong đời

Thời lượng và mức độ ra máu của mỗi lần hành kinh thường thay đổi trong độ tuổi dậy thì. Tương tự, ở những phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh thì kỳ kinh nguyệt cũng trở nên bất thường và sẽ có những tháng bị ra máu ít hơn. Những hiện tượng này là kết quả của sự mất cân bằng nội tiết tố.

Cân nặng và chế độ ăn uống

Cân nặng cơ thể và tỷ lệ mỡ trong cơ thể đều có ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Thiếu cân nghiêm trọng có thể khiến kinh nguyệt trở nên bất thường vì nội tiết tố không hoạt động bình thường. Ngoài ra, giảm hoặc tăng cân đột ngột cũng có thể gây ra những thay đổi bất thường trong kỳ kinh nguyệt.

Mang thai

Khi đang mang thai thì phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt nữa. Bạn có thể nhận thấy hiện tượng ra một lượng máu nhỏ và nghĩ là kinh nguyệt nhưng thực ra đó có thể là máu báo thai, có nghĩa là máu báo trứng được thụ tinh đã bám vào niêm mạc tử cung. Hiện tượng ra máu này thường chỉ kéo dài trong từ một đến hai ngày.

Cho con bú

Nếu cho con bú thì kinh nguyệt thường chưa xuất hiện trở lại ngay sau khi sinh. Prolactin - hormone tham gia vào quá trình sản xuất sữa sẽ ngăn chặn sự rụng trứng và khiến kinh nguyệt không diễn ra. Vì thế mà những phụ nữ cho con bú thường có kinh nguyệt trở lại sau vài tháng kể từ khi sinh.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mang thai trong thời gian cho con bú, ngay cả khi chưa có kinh nguyệt trở lại. Lý do là bởi sự rụng trứng sẽ diễn ra từ hai tuần trước khi bắt đầu hiện tượng ra máu. Nếu bạn quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian cho con bú và có hiện tượng ra máu nhỏ giọt thì nên thử thai để xác nhận xem có phải tiếp tục mang thai hay không.

Biện pháp tránh thai

Các biện pháp tránh thai nội tiết có thể là nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít hơn bình thường. Một số biện pháp tránh thai có tác dụng ngăn cản sự rụng trứng. Các biện pháp tránh thai nội tiết có nhiều dạng khác nhau, gồm có:

  • Thuốc đường uống
  • Miếng dán
  • Vòng tránh thai
  • Thuốc tiêm

Khi cơ thể không phóng trứng từ buồng trứng, niêm mạc tử cung sẽ không dày lên. Điều này sẽ dẫn đến ra máu ít hơn khi đến kỳ hoặc lỡ kinh nguyệt hoàn toàn hay còn gọi là vô kinh.

Kinh nguyệt cũng sẽ có sự thay đổi bất thường nếu gần đầy bạn mới bắt đầu hoặc đổi các biện pháp tránh thai.

Stress

Khi bị stress, não bộ sẽ thay đổi sự sản sinh các hormone tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể gây lỡ kinh nguyệt hoặc có kinh nhưng ra máu ít hơn. Khi tình trạng căng thẳng qua đi, kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.

Tập luyện quá mức

Những phụ nữ thường xuyên tập luyện với cường độ quá nặng sẽ gặp phải những thay đổi trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Điều này thường chủ yếu xảy ra ở vận động viên. Sự căng thẳng, cường độ tập luyện cao, cân nặng cơ thể thấp và phải tiêu hao nhiều năng lượng sẽ khiến cho kinh nguyệt thay đổi.

Rối loạn ăn uống

Các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) và chứng ăn ói (bulimia) có thể khiến kinh nguyệt diễn ra không đều. Rối loạn ăn uống có thể gây sụt cân nghiêm trọng và ảnh hưởng các nồng độ các hormone điều hòa kinh nguyệt.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Nếu bạn gặp tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt thì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang. Bệnh lý này gây thay đổi nội tiết tố trong cơ thể và khiến trứng ngừng trưởng thành, không được phóng đi từ buồng trứng

Sự thay đổi nội tiết tố này còn gây ra những vấn đề khác như:

  • Thay đổi cân nặng và dẫn đến thừa cân, béo phì
  • Nổi mụn trứng cá
  • Mọc lông trên mặt và cơ thể
  • Vô sinh

Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang bằng phương pháp siêu âm vì ở những người mắc bệnh này, buồng trứng hình thành nhiều nang chứa dịch. Nếu đúng là hội chứng buồng trứng đa nang thì thường sẽ phải giảm cân và uống thuốc tránh thai để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường. Có thể bác sĩ sẽ còn kê thuốc metformin (tên thương hiệu là Glumetza, Riomet, Glucophage). Thuốc này thường được dùng cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng đôi khi còn được sử dụng để điều trị cho những người bị hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là một ứng dụng ngoài hướng dẫn của metformin. Metformin giúp kiểm soát nồng độ insulin và có thể cải thiện sự rụng trứng, từ đó điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Ứng dụng ngoài hướng dẫn là gì?

Ứng dụng ngoài hướng dẫn (off-label) của một loại thuốc có nghĩa là ứng dụng chưa được cấp phép và không có trong danh mục chỉ định ghi trên hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể kê thuốc cho những mục đích này nếu cảm thấy có hiệu quả. Điều này không vi phạm luật.

Vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Kinh nguyệt bất thường hoặc không đều có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Kinh nguyệt diễn ra đều đặn là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hoạt động một cách bình thường. Kinh nguyệt ra ít có thể là dấu hiệu của các vấn đề xảy ra với nồng độ hormone hoặc một vấn đề sức khỏe khác. Hội chứng buồng trứng đa nang và các vấn đề bất thường ở cơ quan sinh dục có thể làm thay đổi kỳ kinh hàng tháng.

Do đó, khi gặp bất cứ biểu hiện không bình thường nào, ví dụ như máu kinh đột nhiên ít hơn thì cũng nên đi khám để bác sĩ xác định nguyên nhân.

Các yếu tố nguy cơ

Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể gặp hiện tượng kinh nguyệt ra ít. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang không vận hành một cách bình thường. Bạn nên đi khám để biết cụ thể những gì đang xảy ra bên trong cơ thể mình.

Những phụ nữ không có kinh trong ba tháng trở lên liên tiếp sẽ được chẩn đoán là vô kinh.

Khi nào cần đi khám?

Kinh nguyệt có thể ra ít hơn bình thường mà không có nguyên nhân cụ thể nhưng nên đi khám nếu như bạn:

  • bị lỡ ba kỳ kinh nguyệt liên tiếp mà không có thai
  • nghĩ rằng có thể mình đã mang thai
  • chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • bị chảy máu âm đạo giữa chu kỳ
  • cảm thấy đau đớn dữ dội khi đến kỳ

Ngoài ra cũng cần đi khám sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.

Phương pháp điều trị

Kinh nguyệt ra ít có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu chỉ lâu lâu xảy ra một lần thì cũng không đáng lo ngại nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt ra ít tiếp diễn trong nhiều tháng liên tục hoặc nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì có thể sẽ cần điều trị.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp kiểm tra cần thiết để xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng này và sau đó chỉ định kế hoạch điều trị thích hợp.

Nếu tiếp diễn trong thời gian đài, tình trạng kinh nguyệt ra ít có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh một số thói quen, lối sống và dùng thuốc. Các biện pháp tránh thai nội tiết sẽ giúp kinh nguyệt trở nên đều đặn hơn. Nếu kinh nguyệt ra ít là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng thì sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc và biện pháp can thiệp khác, tùy vào vấn đề đó là gì.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chất dịch trắng trước khi có kinh nguyệt có bình thường không?
Chất dịch trắng trước khi có kinh nguyệt có bình thường không?

Khí hư màu trắng thường là hiện tượng hoàn toàn bình thường trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề với sức khỏe, ví dụ như nhiễm trùng nấm men.

Kinh nguyệt ra cục máu đông có bình thường không?
Kinh nguyệt ra cục máu đông có bình thường không?

Kinh nguyệt ra kèm các cục máu đông một hiện tượng bình thường vào mỗi kỳ kinh. Các cục máu đông nhỏ là vấn đề không đáng lo ngại.

Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?

Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.

Có kinh hai lần trong một tháng có bình thường không?
Có kinh hai lần trong một tháng có bình thường không?

Đa số phụ nữ đều có kinh nguyệt mỗi tháng một lần nhưng đôi khi, kinh nguyệt có thể đến hai lần trong cùng một tháng.

Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường
Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường

Thông thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt không phải là điều đáng lo ngại nhưng có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây