1

Khí hư ra nhiều là do đâu?

Khí hư ra nhiều thường không phải vấn đề đáng lo ngại, trừ khi còn có các dấu hiệu bất thường khác.
Khí hư ra nhiều là do đâu? Khí hư ra nhiều là do đâu?

Nội dung chính của bài viết

  • Khí hư hay dịch tiết âm đạo ra nhiều không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của vấn đề bất thường.
  • Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến lượng dịch tiết ra từ âm đạo, như rụng trứng, kích thích tình dục, nhiễm nấm, bệnh lây qua đường tình dục, do thuốc, vòng tránh thai...
  • Trong một số trường hợp, khí hư ra nhiều lại là triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn.
  • Nếu như thấy khí hư có màu sắc, kết cấu bất thường kèm theo một số triệu chứng khó chịu khác thì nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa.

Dưới đây là 13 nguyên nhân phổ biến khiến khí hư ra nhiều và những dấu hiệu, triệu chứng khác đi kèm.

1. Rụng trứng

Lượng dịch tiết âm đạo sẽ tăng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt - khoảng ngày thứ 14 - khi cơ thể chuẩn bị phóng trứng ra khỏi buồng trứng. Khi gần đến ngày rụng trứng, dịch tiết sẽ trở nên trong và dai hơn, có thể kéo sợi giữa hai ngón tay.

Sau khi trứng phóng ra khỏi buồng trứng, lượng dịch tiết sẽ lại giảm và trở nên đục hơn, đặc hơn. Các dấu hiệu khác của rụng trứng còn có tăng nhiệt độ cơ thể, đau ở một bên bụng (chứng mittelschmerz) và ra máu nhỏ giọt.

2. Kích thích tình dục

Khi được kích thích tình dục, các mạch máu trong bộ phận sinh dục sẽ giãn rộng. Sau đó, âm đạo tiết dịch làm chất bôi trơn, giúp cho thành âm đạo ẩm và dẫn đến hiện tượng khí hư ra nhiều hơn bình thường. Hiện tượng này thường đi kèm với cảm giác ẩm ướt ở quanh cửa âm đạo.

Các dấu hiệu kích thích tình dục khác còn có âm hộ sưng phồng, nhịp thở và nhịp tim tăng, da đỏ ửng trên ngực và cổ.

3. Căng thẳng hoặc mất cân bằng nội tiết tố

Mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng hoặc các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây tăng tiết dịch âm đạo.

Hội chứng buồng trứng đa nang là bệnh phụ khoa xảy ra do nồng độ nội tiết tố nam androgen tăng quá cao và khiến buồng trứng hình thành nhiều nang nhỏ. Bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Triệu chứng của bệnh ở mỗi người là khác nhau, một số người bị giảm tiết dịch âm đạo trong khi ở nhiều người, lượng dịch tiết lại tăng lên. Các triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang còn có chu kỳ kinh nguyệt bất thường, mọc lông trên mặt và nhiều vị trí không mong muốn trên cơ thể, da dầu, nổi mụn trứng cá, giọng nói trầm, tăng cân, đau bụng,...

4. Dị ứng

Cũng giống như trên các bộ phận khác của cơ thể, phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong hoặc xung quanh âm đạo. Những thủ phạm gây dị ứng phổ biến gồm có nước giặt, nước xả vải dính ở quần lót, dung dịch thụt rửa, xịt khử mùi, quần áo, băng vệ sinh, tampon và thậm chí là cả giấy vệ sinh.

Ngoài khí hư ra nhiều, dị ứng còn có những biểu hiện khác như:

  • Ngứa ngáy
  • Đỏ
  • Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu

5. Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau nhưng lại phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong âm đạo. Điều này có thể dẫn đến nhiễm nấm âm đạo, thường có biểu hiện đặc trưng là khí hư ra nhiều, đặc và vón cục hoặc lỏng như nước.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:

  • Ngứa ngáy
  • Sưng đỏ quanh âm hộ
  • Đau hoặc rát
  • Nóng rát khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu

6. Quên tampon hoặc bao cao su bị kẹt

Bỏ quên tampon trong âm đạo không phải là điều hiếm gặp. Điều này có thể xảy ra khi không lấy tampon cũ bên trong ra mà cứ thế đưa chiếc mới vào hoặc xảy ra trong những ngày cuối của kỳ kinh khi lượng máu chỉ còn lại rất ít.

Một sự cố nữa cũng có thể xảy ra là bao cao su bị tuột ra trong khi quan hệ tình dục và bị kẹt trong âm đạo.

Cả hai sự cố này đều gây hiện tượng khí hư ra nhiều, có màu bất thường, ví dụ như vàng, xanh, hồng hay nâu và có mùi hôi khó chịu. Các biểu hiện khác đi kèm gồm có:

  • Sốt
  • Ngứa ngáy
  • Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu
  • Sưng đỏ xung quanh âm đạo

7. Vòng tránh thai

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa dẻo, có hình chữ T được đưa vào trong tử cung.

Mặc dù vòng tránh thai là một biện pháp hiệu quả để tránh mang thai ngoài ý muốn trong thời gian dài nhưng đây vẫn là một vật thể được đưa vào từ bên ngoài nên có thể gây kích ứng vùng mô nhạy cảm bên trong âm đạo. Trong thời gian đặt vòng tránh thai, phụ nữ có thể gặp những hiện tượng như dịch tiết âm đạo ra nhiều, lỏng, có màu nâu và có mùi.

Mặc dù khí hư là điều bình thường nhưng một số thay đổi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Cần đi khám bác sĩ nếu có những biểu hiện như:

  • Khí hư màu vàng, xanh hoặc trắng xám
  • Mùi hôi kéo dài dai dẳng
  • Sưng đỏ quanh âm đạo hoặc âm hộ
  • Đau xung quanh cửa âm đạo hoặc âm hộ

8. Biện pháp tránh thai nội tiết

Các biện pháp tránh thai nội tiết có một số ưu điểm lớn, ví dụ như có hiệu quả tránh thai cao và còn có thể điều trị các vấn đề như kinh nguyệt ra nhiều, nổi mụn trứng cá do rối loạn nội tiết tố, hội chứng buồng chứng đa nang và u nang buồng trứng. Tuy nhiên, phụ nữ có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng các biện pháp này, ví dụ như tăng tiết dịch âm đạo trong thời gian cơ thể đang thích nghi với lượng hormone được bổ sung.

Kèm theo đó còn có một số hiện tượng khác như như:

  • Đau đầu
  • Người mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Vú căng đau, nhạy cảm
  • Giảm ham muốn tình dục

9. Dấu hiệu mang thai

Gần như tất cả phụ nữ đều trải qua hiện tượng khí hư ra nhiều khi mang thai. Đây là một cơ chế tự nhiên nhằm bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng có thể xâm nhập vào âm đạo và tử cung. Khí hư trong giai đoạn này thường loãng, trong hoặc có màu trắng đục.

Các dấu hiệu khác báo thai kỳ còn có:

  • Mất kinh nguyệt
  • Vú căng đau, nhạy cảm
  • Buồn nôn
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Đi tiểu thường xuyên

10. Đang cho con bú

Sản dịch là chất dịch được tiết ra từ âm đạo trong vài tuần sau khi sinh. Đây là một hiện tượng bình thường.

Khi cho con bú thì lượng dịch sẽ tăng lên. Ban đầu sản dịch thường có màu đỏ sẫm do có lẫn máu và niêm mạc tử cung rồi chuyển sang màu đỏ nhạt, hồng hoặc nâu và sau đó ít dần, chuyển sang màu vàng.

Sản dịch thường chấm dứt sau từ 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ lại gặp hiện tượng khí hư ra nhiều trong giai đoạn sau của thời gian cho con bú.

11. Nhiễm nấm âm đạo

Nhiễm nấm âm đạo hay viêm âm đạo do nấm Candida là một vấn đề phụ khoa phổ biến. Ước tính có đến 75% phụ nữ đã từng gặp phải vấn đề này ít nhất một lần trong đời. Nhiễm nấm âm đạo có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Dùng thuốc kháng sinh
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Đường huyết cao
  • Thường xuyên mặc quần bó sát hoặc quần bằng chất liệu vải gây bí

Ngoài khí hư ra nhiều, nhiễm nấm âm đạo còn có các triệu chứng khác như:

  • Khí hư đặc, vón cục hoặc lỏng như nước
  • Ngứa ngáy
  • Đỏ
  • Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu

12. Nhiễm khuẩn âm đạo

Viêm âm đạo do vi khuẩn hay nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn trong âm đạo. Tình trạng này dẫn đến viêm và tăng tiết dịch âm đạo, dịch có mùi tanh, loãng, màu trắng xám, xanh hoặc trắng đục. Các triệu chứng khác còn có ngứa ngáy ở quanh âm đạo hoặc nóng rát khi đi tiểu.

Một số thói quen như thụt rửa hoặc quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo.

13. Bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục

Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục như lậu và chlamydia thường không biểu hiện triệu chứng trong thời gian đầu mới nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển nặng thì người bệnh sẽ gặp những triệu chứng như khí hư ra nhiều, có mùi hôi khó chịu, đặc và ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.

Một số triệu chứng chung khác của các bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm có:

  • Đau hoặc rát khi đi tiểu hoặc đại tiện
  • Đau bụng dưới
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Ra máu sau quan hệ

Nếu không được điều trị, các bệnh như lậu và chlamydia có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở các cơ quan sinh dục và dẫn đến bệnh viêm vùng chậu hay thậm chí vô sinh.

Khí hư thế nào là bình thường?

Tiêu chuẩn đánh giá khí hư bình thường phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Tuổi tác
  • Thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Trạng thái hoạt động tình dục
  • Các loại thuốc đang dùng
  • Vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Nói chung, cơ thể một phụ nữ trung bình tạo ra khoảng một muỗng cà phê (1 – 4ml) khí hư mỗi ngày, khí hư thường có màu trắng, hơi ngả vàng hoặc trong suốt, kết cấu đa dạng từ lỏng đến đặc, trơn, dai hoặc sệt và không mùi hoặc chỉ hơi có mùi nhẹ.

Lượng khí hư có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi rụng trứng, khí hư thường ra nhiều hơn bình thường, loãng và dai. Sau khi trứng được phóng đi từ buồng trứng, lượng khí hư giảm đi, đặc hơn và chuyển sang màu trắng đục.

Bắt đầu từ vài ngày trước kỳ kinh nguyệt, lượng khí hư lại tăng lên, có màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng và khiến cho vùng kín có cảm giác ẩm ướt.

Trong một vài ngày sau khi kết thúc kỳ kinh, khí hư có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu do có lẫn lượng máu còn sót lại trong tử cung.

Ở những giai đoạn này, những đặc điểm nêu trên của khí hư được coi là bình thường, khỏe mạnh. Khi nhận thấy bất cứ sự thay đổi bất thường nào về màu sắc, kết cấu hoặc mùi khí hư hay có những biểu hiện khác đi kèm thì nên đi khám bác sĩ phụ khoa.

Cách khắc phục

Mặc dù không phải là dấu hiệu của vấn đề đáng lo ngại nhưng khí hư ra nhiều vẫn sẽ gây khó chịu. Có thể khắc phục và tránh để tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày bằng những cách như:

  • Dùng băng vệ sinh hàng ngày khi khí hư ra nhiều: để giữ cho vùng kín không có cảm giác ẩm ướt.
  • Mặc quần lót bằng cotton: để giúp vùng kín được thoáng khí. Chất liệu cotton còn giúp ngăn ngừa nhiễm nấm. Không nên mặc quần lót bằng những chất liệu gây bí như vải nylon. Những chất liệu này ngăn cản hơi ẩm và nhiệt thoát ra bên ngoài, từ đó tạo môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nấm men.
  • Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh: nhằm làm giảm nguy cơ vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
  • Lựa chọn sản phẩm vệ sinh không mùi để giảm nguy cơ kích ứng: nên chọn những sản phẩm dung dịch vệ sinh không mùi, không chứa glycerin và paraben, đồng thời có tác dụng cân bằng độ pH âm đạo. Nói chung, tốt nhất là tránh thụt rửa và sử dụng xà phòng bên trong âm đạo. Thay vào đó thì chỉ nên nhẹ nhàng làm sạch vùng bên ngoài (âm hộ) bằng nước sạch để giữ cho vùng kín luôn khỏe mạnh.

Khi nào cần đi khám?

Khí hư ra nhiều thường không phải vấn đề đáng lo ngại, trừ khi còn có các dấu hiệu bất thường khác. Lượng, màu sắc và kết cấu khí hư sẽ thay đổi tùy theo từng thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ sản phụ khoa nếu có những hiện tượng như:

  • Đau đớn khi đi tiểu, đại tiện hoặc khi quan hệ tình dục
  • Ngứa ngáy
  • Nóng, sưng đỏ
  • Lở loét
  • Sốt
  • Khí hư có mùi hôi tanh khó chịu
  • Khí hư có màu vàng, xanh lá hoặc trắng xám
  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khí hư

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây