1

Điều trị khô miệng

Việc điều trị tình trạng khô miệng còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề.
Điều trị khô miệng Điều trị khô miệng

Nhìn chung, các phương pháp điều trị khô miệng thường có ba mục đích chính:

  • Kiểm soát các vấn đề về sức khỏe gây khô miệng.
  • Ngăn ngừa sâu răng.
  • Làm tăng lượng nước bọt.

Kiểm soát các vấn đề về sức khỏe gây khô miệng

Nếu tình trạng khô miệng xuất hiện khi dùng một số loại thuốc thì đó có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị căng thẳng, lo âu, đau, dị ứng (thuốc kháng histamine và thuốc làm thông mũi), tiêu chảy, tiểu són hay bệnh Parkinson. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho bạn dùng loại thuốc khác hoặc điều chỉnh liều lượng.

Tuy nhiên, nếu vấn đề về sức khỏe gây tình trạng khô miệng không được giải quyết - ví dụ như nếu tuyến nước bọt bị tổn thương do xạ trị, hóa trị hoặc do hậu quả của một số loại bệnh như hội chứng Sjögren's, Alzheimer, tai biến mạch máu não thì việc điều trị khô miệng sẽ cần tập trung vào cách làm tăng lượng nước bọt.

Ngăn ngừa sâu răng do khô miệng

Nước bọt không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn và giúp bận có thể nhai, nuốt thức ăn mà còn là một chất làm sạch miệng tự nhiên. Nếu không có nước bọt, bạn sẽ rất dễ bị sâu răng và mắc bệnh về lợi. Nếu như miệng bị khô và để ngăn ngừa sâu răng, bệnh về lợi thì bạn sẽ cần chăm sóc răng miệng cẩn thận hơn bình thường bằng những bước sau:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, tốt nhất là đánh ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày
  • Dùng kem đánh răng có chứa fluoride
  • Đi khám nha khoa để kiểm tra và vệ sinh răng miệng hai lần/năm.

Tăng tiết nước bọt

Nếu bạn bị khô miệng, bác sĩ nha khoa sẽ cho bạn dùng các sản phẩm nước bọt nhân tạo. Bạn cũng có thể tự mua được những sản phẩm này dưới dạng xịt hoặc nước xúc miệng mà không cần đơn của bác sĩ. Hiện nay còn có các loại kem đánh răng, nước xúc miệng và gel làm ẩm miệng được sản xuất riêng cho người khô miệng. Hãy hỏi bác sĩ nha khoa về những sản phẩm này.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc Salagen, một loại thuốc làm tăng sự tiết nước bọt tự nhiên.

Một loại thuốc kê đơn khác – Evoxac đã được FDA chứng nhận công dụng điều trị tình trạng khô miệng ở những bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren, các bệnh tự miễn đi kèm với chứng khô mắt, khô miệng, khô da và đau cơ.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều phương pháp điều trị khác đang được nghiên cứu. Các nhà khoa học đang tìm cách để phục hồi tuyến nước bọt bị tổn thương và phát triển tuyến nước bọt nhân tạo để cấy ghép vào cơ thể người.

Làm thế nào để chữa khô miệng?

Để hạn chế khô miệng:

  • Uống nước thường xuyên để giữ cho miệng ẩm và làm lỏng dịch nhầy.
  • Ăn kẹo không đường hoặc kem que không đường nhưng tuyệt đối không được nhai đá vì đá có thể làm tổn hại đến răng. Nhai kẹo cao sư không đường (có chứa xylitol). Hoạt động nhai và mút này sẽ kích thích miệng tiết nước bọt. Tuy nhiên, mặc dù những loại đồ ăn không có đường thì chúng vẫn có thể làm mềm men răng. Vì thế để hạn chế sâu răng và mòn men răng, bạn chỉ nên ăn hạn chế.
  • Ăn đồ ăn có nước, soup, sốt, kem hoặc bơ. Ăn đồ mềm, mát hoặc nguội.
  • Tránh các loại nước xúc miệng có chứa cồn hoặc peroxide. Những thành phần này sẽ làm miệng bạn khô thêm.
  • Tránh ăn đồ mặn, khô (ví dụ như bánh mì, bánh quy, bánh mì khô, cá/thịt khô, hoa quả sấy)và những đồ ăn, đồ uống có chứa nhiều đường.
  • Tránh đồ uống có cồn hoặc caffeine (ví dụ như cà phê, trà, coca cola, đồ uống có thành phần chocolate). Cồn sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều lần và gây mất nước. Ngoài ra, cồn và caffeine còn làm khô miệng.
  • Tránh đồ uống có tính axit cao, ví dụ như nước hoa quả.
  • Một số tip để giảm hiện tượng kích ứng đi kèm với khô miệng:
  • Hạn chế ăn đồ cay, mặn
  • Bỏ thuốc lá
  • Dùng son dưỡng để hạn chế kích ứng
  • Dùng bàn chải lông mềm cho răng và lợi, xúc miệng trước và sau khi ăn vói nước lã hoặc nước xúc miệng dịu nhẹ (gồm có 200ml nước, ½ thìa muối và ½ thìa baking soda). Đánh răng bằng kem có chứa fluoride.
  • Dùng máy tạo ẩm để tăng độ ẩm không khí trong nhà, đặc biệt là vào ban đêm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây