1

Cholesterol tốt và cholesterol xấu khác nhau như thế nào?

Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến cholesterol tốt và cholesterol xấu. Vậy tại sao lại được gọi như vậy và hai loại cholesterol này khác nhau như thế nào?
Cholesterol tốt và cholesterol xấu khác nhau như thế nào? Cholesterol tốt và cholesterol xấu khác nhau như thế nào?

Nhắc đến cholesterol, nhiều người thường nghĩ ngay đến một chất rất có hại cho cơ thể nhưng thực ra đây là chất cần thiết cho hoạt động sống bình thường. Cơ thể chúng ta sử dụng cholesterol để tạo ra hormone, vitamin D và hỗ trợ tiêu hóa. Gan có thể tạo ra đủ cholesterol để phục vụ cho những quá trình này nhưng cơ thể không chỉ lấy cholesterol từ gan. Cholesterol còn được đưa vào cơ thể từ các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như thịt, sữa và gia cầm. Nhưng nếu bạn ăn nhiều những thực phẩm này thì hàm lượng cholesterol trong máu có thể tăng cao quá mức.

HDL cholesterol và LDL cholesterol

Có hai loại cholesterol chính là lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) và lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL). Lipoprotein được tạo nên từ chất béo và protein. Cholesterol di chuyển khắp cơ thể trong khi nằm trong lipoprotein hay nói cách khác, cholesterol được vận chuyển bởi lipoprotein.

HDL được gọi là cholesterol tốt vì nó vận chuyển cholesterol đến gan để rồi được đào thải ra khỏi cơ thể. HDL giúp loại bỏ lượng cholesterol dư thừa trong cơ thể và vì thế nên hạn chế được sự tích tụ mảng bám trong các động mạch.

LDL được gọi là cholesterol xấu vì nó đưa cholesterol vào động mạch và rồi có thể tích tụ lại trên thành động mạch. Lượng cholesterol quá cao trong động mạch có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch. Nếu cục máu đông vỡ ra và chặn một động mạch nào đó trong tim hoặc não thì sẽ rất dễ xảy ra đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Sự tích tụ mảng bám còn làm giảm lưu lượng máu và oxy đến các cơ quan chính trong cơ thể. Bên cạnh nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, tình trạng thiếu oxy còn có thể gây nên bệnh thận hoặc bệnh động mạch ngoại biên.

Biết các chỉ số

Nồng độ cholesterol trong cơ thể tăng cao thường không bộc lộ các triệu chứng rõ rệt nên nhiều người không hề hay biết mình đang gặp phải vấn đề này.

Cách duy nhất để biết được chỉ số cholesterol của mình có cao hay không là tiến hành xét nghiệm máu. Khi xét nghiệm cholesterol, bạn sẽ biết được:

  • Định lượng cholesterol toàn phần: bao gồm cả HDL, LDL và 20% triglyceride trong máu.
  • Chỉ số Triglyceride: Triglyceride là một dạng chất béo phổ biến. Chỉ số này ở người bình thường là dưới 150mg/dL. Nếu chỉ số triglyceride cao và LDL cholesterol cũng cao hoặc HDL cholesterol thấp thì bạn có nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
  • Chỉ số HDL cholesterol: Chỉ số này càng cao thì càng tốt và ít nhất là phải trên 55mg/dL đối với nữ và trên 45mg/dL đối với nam.
  • Chỉ số LDL cholesterol: Chỉ số này càng thấp thì càng tốt. Tốt nhất là không được vượt quá 130mg/dL nếu không có vấn đề về tim, mạch máu hoặc tiểu đường và không quá 100mg/dL nếu như bị một trong các vấn đề này hoặc chỉ số cholesterol toàn phần cao.

Nguyên nhân gây cholesterol cao

Các nguyên nhân gây nên tình trạng cholesterol cao gồm có:

  • Béo phì
  • Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Nhiều mỡ nội tạng, số đo vòng eo lớn (trên 100cm đối với nam hoặc trên 90cm đối với nữ)
  • Lười vận động

Những người hút thuốc thường có nồng độ HDL cholesterol thấp hơn những người không hút và nghiên cứu cho thấy việc bỏ thuốc lá có thể làm tăng nồng độ HDL cholesterol.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa stress và nồng độ cholesterol cao nhưng việc thường xuyên bị stress sẽ dẫn đến các hành vi làm tăng nồng độ LDL cholesterol và cholesterol toàn phần,ví dụ như ăn quá nhiều đồ béo, không hoạt động và hút nhiều thuốc.

Trong một số trường hợp, nồng độ LDL cholestrol cao là do di truyền. Tình trạng này được gọi là tăng cholesterol máu có tính chất gia đình (familial hypercholesterolemia – FH). Nguyên nhân là do một đột biến gen ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ LDL cholesterol. Điều này dẫn đến nồng độ LDL cholesterol cao và làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như là đột quỵ khi còn trẻ.

Điều trị cholesterol cao

Để điều trị tình trạng nồng độ cholesterol cao, trước tiên bạn cần thực hiện các thay đổi về thói quen sống sau:

Bỏ hút thuốc

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh

Tập thể dục thường xuyên

Hạn chế căng thẳng

Nhưng đôi khi, nếu chỉ thay đổi thói quen sống thôi thì chưa đủ, đặc biệt là những trường hợp mà cholesterol cao do di truyền. Lúc này sẽ cần dùng một hoặc nhiều loại thuốc như:

  • Statin: giúp gan loại bỏ bớt cholesterol
  • Thuốc gắn axit mật: làm cho cơ thể sử dụng thêm cholesterol để sản sinh mật
  • Chất ức chế hấp thu cholesterol: ngăn chặn ruột non hấp thụ cholesterol và giải phóng vào máu
  • Các loại thuốc tiêm làm cho gan hấp thụ nhiều LDL cholesterol hơn

Ngoài ra còn có thể cần sử dụng thêm các loại thuốc và thực phẩm chức năng để giảm nồng độ triglyceride như niacin (Niacor), viên uống bổ sung axit béo omega-3 và fibrate.

Tìm hiểu thêm: 7 loại thuốc giảm cholesterol

Vai trò của chế độ ăn

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn nhiều những loại thực phẩm sau để giảm định lượng cholesterol toàn phần và tăng lượng HDL cholesterol:

  • Các loại trái cây và rau củ
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Thịt gia cầm không da, thịt lợn nạc và thịt nạc đỏ
  • Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ hoặc cá mòi
  • Các loại hạt, quả hạch và đậu
  • Dầu thực vật hoặc ô liu

Bên cạnh đó cần tránh những thực phẩm làm tăng lượng LDL cholesterol như:

  • Thịt đỏ
  • Thực phẩm chiên rán
  • Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa
  • Các sản phẩm từ sữa nguyên kem
  • Thực phẩm có chứa dầu hydro hóa

Triển vọng khi bị cholesterol cao

Chỉ số cholesterol cao là một điều đáng lo ngại nhưng trong hầu hết các trường hợp thì đó mới chỉ là một dấu hiệu cảnh báo. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số cholesterol cao không có nghĩa là bạn sẽ bị bệnh tim hoặc đột quỵ. Nếu thực hiện các biện pháp giảm cholesterol kịp thời thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cũng sẽ được ngăn chặn.

Cách phòng ngừa

Không bao giờ là quá sớm để tiến hành các biện pháp ngăn ngừa cholesterol cao. Xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh là bước đầu tiên và cũng là bước rất quan trọng. Dưới đây là một số thay đổi mà bạn có thể thực hiện ngay ngày hôm nay:

  • Thay gạo trắng bằng gạo nâu.
  • Ăn nhiều salad trộn dầu ô liu
  • Ăn nhiều cá, tốt nhất là ăn 200g cá mỗi tuần.
  • Thay các loại nước ngọt và nước ép trái cây có đường bằng nước lọc hoặc có thể thả thêm vài lát trái cây tươi để tạo mùi vị.
  • Nướng thịt thay vì chiên rán.

Tìm hiểu thêm: 12 cách loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn

Tập thể dục cũng có tác động tích cực đến nồng độ cholesterol. Nếu bạn là người ít vận động thì từ giờ hãy vận động nhiều hơn. Nếu bạn làm việc trong văn phòng và hàng ngày phải ngồi nhiều thì nên tập thói quen cứ cách một tiếng lại đứng dậy và đi bộ trong 5 phút và cố gắng tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể là đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp.

Nếu bạn hay hút thuốc lá thì nên bỏ ngay bây giờ. Hút thuốc không chỉ làm tăng nồng độ cholesterol, tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tim mạch mà còn là nguyên nhân gây nên nhiều loại ung thư.

Còn nếu bạn vẫn chưa biết chỉ số cholesterol của mình thì nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi tiền sử gia đình có chỉ số cholesterol cao hoặc mắc bệnh tim mạch. Càng sớm biết chỉ số cholesterol thì càng sớm có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: như thế
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây