1

Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo

Nội dung chính của bài viết

  • Thức ăn của nấm men là đường. Nếu để lượng đường trong máu cao sẽ tạo điều kiện cho nấm men phát triển, đặc biệt là ở khu vực âm đạo và gây nhiễm nấm âm đạo.

  • Nếu có những triệu chứng nhiễm nấm âm đạo thì nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa để tìm ra nguyên nhân và từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

  • Khi điều trị, tình trạng nhiễm nấm thường hết trong vòng 14 ngày.

  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo.

  • Điều này còn giúp ngăn ngừa nhiều biến chứng khác của tiểu đường.

Nhiễm nấm Candida là gì?

Nhiễm nấm Candida hay nhiễm trùng nấm men là một loại nhiễm nấm với những biểu hiện thường gặp là ngứa ngáy và kích ứng.

Nhiễm nấm Candida có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở âm đạo. Cứ 4 phụ nữ thì lại có 3 người từng ít nhất một lần bị nấm Candida âm đạo trong đời. Khoảng một nửa số phụ nữ gặp phải vấn đề này từ 2 lần trở lên.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường. Dưới đây là nguyên nhân tại sao tiểu đường lại làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men và những biện pháp ngăn ngừa.

Lý do

Một nghiên cứu vào năm 2013 đã tìm ra mối liên hệ giữa lượng đường huyết cao và nhiễm nấm Candida âm đạo. Nghiên cứu này tập trung vào phụ nữ và trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.

Theo một nghiên cứu vào năm 2014, những phụ nữ bị bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo cao hơn so với những người khỏe mạnh.

Thức ăn của nấm men là đường. Nếu tình trạng bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt thì lượng đường trong máu sẽ ở mức cao. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nấm men phát triển quá mức, đặc biệt là ở khu vực âm đạo và gây nhiễm nấm âm đạo.

Duy trì lượng đường trong máu ở mức thấp sẽ làm giảm được nguy cơ này. Những phụ nữ bị tiểu đường cần đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện nhiễm nấm âm đạo. Một số loại nấm Candida có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe nếu không được điều trị. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn lịch khám sàng lọc phù hợp.

Nguyên nhân khác

Âm đạo bình thường luôn có sự tồn tại của cả nấm men và vi khuẩn. Một số loại vi khuẩn có vai trò kiểm soát sự phát triển của nấm men và duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo.

Một số yếu tố có thể phá vỡ sự cân bằng này và khiến nấm men sinh sôi quá mức. Những yếu tố này gồm có:

  • Uống thuốc kháng sinh
  • Dùng thuốc tránh thai
  • Đang điều trị bằng liệu pháp hormone
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu
  • Quan hệ tình dục
  • Mang thai

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng nấm men, bất kể có quan hệ tình dục hay không. Đây không phải là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI).

Chẩn đoán nhiễm nấm âm đạo bằng cách nào?

Nên đi khám bác sĩ khi gặp phải các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo để được chẩn đoán đúng vấn đề và có biện pháp điều trị phù hợp.

Nhiễm nấm âm đạo có nhiều triệu chứng giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên bước đầu tiên là phải chẩn đoán đúng. Nếu mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và không được điều trị thì sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, các loại thuốc đang dùng và những vấn đề, bệnh lý khác đang mắc phải.

Sau khi đánh giá bệnh sử, bác sĩ sẽ tiến hàng khám phụ khoa. Đầu tiên là kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không rồi sau đó đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để giữ cho thành âm đạo mở rộng, cho phép bác sĩ có thể quan sát bên trong.

Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch âm đạo để xác định loại nấm gây nhiễm trùng. Đây là bước cần thiết để kê loại thuốc phù hợp.

Điều trị nhiễm nấm âm đạo

Những trường hợp nhiễm nấm âm đạo mức độ nhẹ đến vừa có thể được điều trị bằng các loại thuốc trị nấm tại chỗ như kem, thuốc mỡ hoặc viên đặt. Quá trình điều trị có thể kéo dài lên đến 7 ngày tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng.

Các loại thuốc được dùng phổ biến gồm có:

  • butoconazole
  • clotrimazole
  • miconazole
  • terconazole

Những loại thuốc này có cả dạng kê đơn và dạng không kê đơn.

Bác sĩ cũng có thể sẽ kê các loại thuốc đường uống đơn liều như fluconazole (Diflucan). Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì sẽ cần uống hai liều, mỗi liều cách nhau 3 ngày.

Không nên quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Nếu có thì phải sử dụng bao cao su để tránh lây bệnh cho bạn tình.

Nhiễm nấm âm đạo dạng nặng

Những trường hợp bị nhiễm nấm âm đạo dạng nặng sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc sử dụng lâu dài, có thể là thuốc bôi, thuốc uống hoặc viên đặt. Quá trình điều trị có thể kéo dài đến 17 ngày.

Nếu đã dùng thuốc mà các triệu chứng vẫn không đỡ hoặc bệnh quay trở lại trong vòng 8 tuần thì cần báo cho bác sĩ.

Nhiễm nấm âm đạo tái phát

Nếu sau khi điều trị khỏi mà tình trạng nhiễm nấm âm đạo tái phát thì sẽ cần điều trị duy trì nhằm ngăn chặn sự phát triển quá mức của nấm men. Quá trình điều trị có thể gồm có các loại thuốc như:

  • bắt đầu bằng một đợt thuốc uống kéo dài 2 tuần
  • fluconazole, dùng mỗi tuần một lần trong 6 tháng
  • viên đặt clotrimazole, dùng mỗi tuần một lần trong 6 tháng

Điều trị cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu vào năm 2007 chỉ ra rằng hơn một nửa số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị nhiễm nấm âm đạo do chủng nấm Candida glabrata. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trong số các phương pháp trị nấm thì liệu trình điều trị kéo dài bằng viên đặt cho hiệu quả tốt hơn.

Nếu muốn dùng thử viên đặt thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước để xem có phù hợp hay không.

Ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo

Ngoài theo dõi lượng đường trong máu, các biện pháp khác để ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo ở những phụ nữ bị tiểu điều cũng giống với người khỏe mạnh.

Có thể giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo bằng cách:

  • Không mặc quần bó sát để tránh làm cho vùng kín bị bí và ẩm ướt
  • Chỉ mặc đồ lót bằng cotton để thoáng khí
  • Thay đồ ngay sau khi tập thể dục hoặc đi bơi
  • Không ngâm mình trong nước quá nóng
  • Không thụt rửa
  • Thay băng vệ sinh hoặc tampon thường xuyên vào kỳ kinh
  • Không dùng các sản phẩm có mùi thơm cho vùng kín

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây