1

Bệnh Lây Truyền Qua Đường Tình Dục STD

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây qua đường tình dục (sexually transmitted disease - STD) là thuật ngữ được sử dụng cho những bệnh lý lây truyền từ người này sang người khác thông qua con đường quan hệ tình dục. Các bệnh này có thể lây qua các dạng quan hệ tình dục khác nhau như quan hệ đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng mà không có biện pháp bảo vệ.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục còn được gọi là nhiễm trùng lây qua đường tình dục (sexually transmitted infection - STI) hoặc bệnh hoa liễu (venereal disease - VD).

Mặc dù có tên là bệnh lây qua đường tình dục nhưng quan hệ tình dục lại không phải là con đường duy nhất khiến một người bị mắc bệnh. Một số loại STD còn có thể lây qua những con đường khác như đường máu (ví dụ dùng chung kim tiêm) và lây qua đường cho con bú.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hay nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) gồm có:

  • Nhiễm vi khuẩn (ví dụ như bệnh lậu, giang mai, chlamydia)
  • Ký sinh trùng (nhiễm trichomonas)
  • Virus (HPV, herpes, HIV)

Các loại vi sinh vật gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục thường tồn tại trong chất dịch cơ thể như tinh dịch, máu, dịch tiết âm đạo và đôi khi là cả nước bọt. Hầu hết các vi sinh vật đều lây lan qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng, nhưng cũng có một số loại, chẳng hạn như virus herpes simplex gây ra bệnh herpes sinh dục, có thể lây lan qua tiếp xúc da.

Các yếu tố nguy cơ

Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm có:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Việc quan hệ đường âm đạo và hậu môn mà không đeo bao cao su sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm STD. Việc sử dụng bao cao su không đúng cách cũng vẫn làm tăng nguy cơ.
  • Quan hệ tình dục đường miệng có thể ít rủi ro hơn nhưng bệnh vẫn có thể lây truyền nếu như không có bao cao su hoặc màng chắn miệng.
  • Quan hệ tình dục với nhiều người: Càng quan hệ với nhiều người thì nguy cơ nhiễm STD càng cao.
  • Có tiền sử bị STD: Việc đã bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ làm tăng nguy cơ mắc thêm một bệnh STD khác.
  • Quan hệ tình dục không tự nguyện: Một người bị hiếp dâm hay tấn công tình dục sẽ dễ bị nhiễm STD. Do đó, nếu rơi vào trường hợp này thì cần phải đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được xét nghiệm sàng lọc và điều trị kịp thời.
  • Lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện: Việc lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện sẽ làm giảm hoặc mất nhận thức và dễ dẫn đến hành vi quan hệ không an toàn.
  • Tiêm thuốc: Việc dùng chung bơm kim tiêm là con đường lây lan nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm cả HIV. Ngoài ra, xỏ khuyên hay xăm mình cũng ẩn chứa nguy cơ tương tự.

STD lây lan qua con đường nào?

bệnh STD lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh như máu, dịch âm đạo hoặc tinh dịch khi quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Vi khuẩn, vi-rút hay ký sinh trùng gây bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với vùng da hoặc niêm mạc bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như vết loét trong miệng. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn là hình thức quan hệ có rủi ro rất cao vì thường dễ bị trầy xước và chảy máu. Dùng chung kim tiêm hoặc ống tiêm để tiêm chích ma túy ha xỏ lỗ tai, xăm mình,... cũng là những con đường lay truyền STD. Mặc dù hầu hết các bệnh STD đều chỉ lây qua quan hệ tình dục trực tiếp với người bị nhiễm bệnh nhưng rận mu có thể lây qua tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh hoặc qua quần áo, chăn, ga trải giường hoặc khăn.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng ở nam giới

Nhiều người mắc STD không hề gặp phải triệu chứng nào nhưng một số bệnh STD lại gây ra các triệu chứng rõ rệt. Ở nam giới, các triệu chứng chung thường gặp của STD gồm có:

  • Đau trong khi quan hệ tình dục hoặc đi tiểu
  • Lở loét, nổi nốt, phát ban đỏ trên hoặc xung quanh dương vật, tinh hoàn, hậu môn, mông, đùi hoặc miệng.
  • Tinh dịch bất thường hoặc chảy máu từ dương vật
  • Tinh hoàn đau hoặc sưng

Ngoài ra tùy theo từng loại STD mà sẽ còn có các triệu chứng cụ thể khác.

Tìm hiểu thêm về các triệu chứng STD ở nam giới

Triệu chứng ở phụ nữ

Trong nhiều trường hợp, bệnh lây qua đường tình dục cũng không gây ra các triệu chứng rõ rệt ở phụ nữ nhưng nếu có thì các triệu chứng phổ biến thường là:

  • Đau rát trong khi quan hệ hoặc đi tiểu
  • Xuất hiện vết loét, nổi cục hoặc phát ban đỏ xung quanh âm đạo, hậu môn, mông, đùi hoặc miệng
  • Dịch tiết âm đạo bất thường hoặc chảy máu âm đạo
  • Ngứa trong hoặc xung quanh âm đạo

Các triệu chứng cụ thể có thể thay đổi tùy theo từng loại bệnh khác nhau.

Tìm hiểu thêm về các triệu chứng của STD ở phụ nữ

Các loại STD

Có nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau có thể lây truyền qua đường tình dục nhưng dưới đây là các bệnh phổ biến nhất.

Chlamydia

Chlamydia là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra.

Trong nhiều trường hợp, chlamydia không gây ra các triệu chứng rõ rệt nhưng khi có triệu chứng thì thường gặp nhất là:

  • Đau rát, khó chịu khi quan hệ hoặc đi tiểu
  • Dịch tiết từ dương vật hoặc âm đạo màu xanh hoặc vàng
  • Đau vùng bụng dưới
  • Đau khi quan hệ ở phụ nữ
  • Ra máu giữa các kỳ kinh
  • Đau tinh hoàn ở nam giới

Các triệu chứng thường xuất hiện 1 – 3 tuần sau khi phơi nhiễm

Nếu không được điều trị, bệnh chlamydia có thể dẫn đến:

Chlamydia có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang bầu hoặc trong khi sinh và khiến cho trẻ sơ sinh mắc phải các bệnh như:

  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng mắt

Bệnh này có thể dễ dàng được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nhiễm HPV

HPV hay virus u nhú ở người (human papillomavirus) là một loại virus có thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc da hoặc quan hệ tình dục. Có nhiều chủng HPV với mức độ nguy hiểm khác nhau.

Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm HPV là nổi mụn cóc ở bộ phận sinh dục, miệng hoặc cổ họng.

Một số chủng HPV còn có thể dẫn đến các bệnh ung thư, gồm có:

  • Ung thư khoang miệng
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư âm hộ
  • Ung thư dương vật
  • Ung thư trực tràng

Mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không tiến triển thành ung thư nhưng điều này vẫn có thể xảy ra và một số chủng HPV có khả năng gây ung thư cao hơn, ví dụ như HPV 16 và HPV 18. Hai chủng HPV này là nguyên nhân của 70% các ca ung thư cổ tử cung.

Hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh nhiễm HPV nhưng có vắc-xin để ngăn ngừa một số chủng HPV nguy hiểm nhất, gồm có cả HPV 16 và HPV 18. Khi nhiễm HPV, bệnh thường tự khỏi sau một thời gian.

Tuy nhiên, nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm HPV thì vẫn nên đi làm xét nghiệm sàng lọc để bác sĩ kiểm tra và có biện pháp giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Bệnh giang mai

Bệnh giang mai là bệnh do vi khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mang) gây nên. Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn là giai đoạn nguyên phát, thứ phát, giai đoạn âm ỉ và giai đoạn tam phát.

Ở giai đoạn nguyên phát, triệu chứng xuất hiện đầu tiên là hình thành vết loét tròn nhỏ, được gọi là săng (chancre). Vết loét này có thể xuất hiện trên bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng, mặc dù không gây đau và tự khỏi nhưng lại rất dễ lây.

Khi sang giai đoạn thứ phát, các triệu chứng tiếp theo của bệnh giang mai gồm có:

  • Phát ban trên da
  • Người mệt mỏi
  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau đầu
  • Đau khớp
  • Sụt cân
  • Rụng tóc

Các triệu chứng này thường bắt đầu sau 3 – 6 tuần kể từ khi xuất hiện săng giang mai, có thể tự hết mà không cần điều trị sau vài tuần hoặc tái đi tái lại trong thời gian lên đến 1 năm.

Ở giai đoạn âm ỉ, giang mai thường không có triệu chứng.

Nếu không được điều trị, bệnh giang mai sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối và có những biểu hiện như:

  • Mất thị lực
  • Mất thính giác
  • Mất trí nhớ
  • Vấn đề về thần kinh
  • Nhiễm trùng não hoặc tủy sống
  • Bệnh tim
  • Tử vong

Mặt khác, nếu được phát hiện sớm thì bệnh giang mai có thể dễ dàng được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh giang mai ở trẻ sơ sinh (do lây truyền từ mẹ) có thể gây tử vong. Đó là lý do tại sao tất cả phụ nữ mang thai đều cần đi khám sàng lọc bệnh giang mai.

Bệnh giang mai càng được phát hiện và điều trị sớm thì hậu quả càng bớt nghiêm trọng.

Nhiễm HIV

Nhiễm HIV (human immunodeficiency virus) là một bệnh khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và làm tăng nguy cơ nhiễm các loại virus, vi khuẩn khác và một số bệnh ung thư. Nhiễm HIV gồm có 3 giai đoạn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển dần sang giai đoạn 3 hay giai đoạn cuối và trở thành bệnh AIDS. Tuy nhiên, nhờ có các phương pháp điều trị ngày nay mà nhiều người nhiễm HIV có thể chung sống với bệnh trong thời gian dài và không bao giờ tiến triển thành AIDS.

Ở giai đoạn đầu hay giai đoạn cấp tính, các biểu hiện của nhiễm HIV rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng bệnh cúm. Các biểu hiện ban đầu gồm có:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nhức mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Viêm đau họng
  • Nhức đầu
  • Buồn nôn
  • Phát ban

Những triệu chứng ban đầu thường biến mất sau khoảng một tháng. Trong thời gian này, bệnh rất dễ lây truyền. Sau đó, người bị nhiễm HIV thường không xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài nào trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, do virus tiếp tục sinh sôi và làm suy yếu hệ miễn dịch nên đôi khi người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Cơ thể mệt mỏi thường xuyên
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Vấn đề ở dạ dày
  • Sưng hạch bạch huyêt
  • Tiêu chảy
  • Sụt cân

Khi tiến triển sang giai đoạn cuối hay còn gọi là AIDS, người bệnh thường có những triệu chứng như:

  • Mệt mỏi kéo dài mà không có nguyên nhân
  • Đổ nhiều mồ hôi về đêm
  • Rét run hoặc sốt cao quá 38 độ C trong thời gian dài
  • Sưng hạch bạch huyết trong thời gian dài
  • Tiêu chảy mãn tính
  • Nhức đầu dai dẳng
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội

Đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi HIV nhưng đã có các phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh. Bằng cách điều trị kịp thời và đúng cách, những người nhiễm HIV vẫn có thể sống bình thường và có tuổi thọ tương đương với người không nhiễm HIV.

Ngoài ra, việc điều trị đúng cách còn làm giảm khả năng lây truyền HIV sang người khác. Trên thực tế, các phương pháp điều trị có thể làm giảm lượng virus trong cơ thể xuống mức không thể phát hiện. Ở mức này, HIV không thể lây sang người khác.

Rất nhiều người bị nhiễm HIV mà không hề hay biết cho đến khi đi xét nghiệm định kỳ. Để chẩn đoán và điều trị sớm, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC khuyến nghị những người có nguy cơ cao nhiễm HIV cần đi xét nghiệm HIV ít nhất mỗi năm một lần, ngay cả khi không có triệu chứng.

Hiện nay đã có nhiều điểm cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí dành cho những người có nhu cầu.

Với những tiến bộ trong phương pháp xét nghiệm và điều trị thời gian gần đây, nhiều người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài và khỏe mạnh.

Bệnh lậu

Bệnh lậu cũng là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến.

Nhiều người mắc bệnh lậu không có triệu chứng nhưng khi có thì các triệu chứng thường gặp là:

  • Dịch tiết âm đạo hoặc dương vật màu trắng đục, vàng, hơi nâu hoặc màu xanh
  • Đau rát khi quan hệ hoặc đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Ngứa ngáy xung quanh bộ phận sinh dục
  • Đau rát họng
  • Ra máu giữa các kỳ kinh
  • Đau tinh hoàn

Nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể dẫn đến:

  • Nhiễm trùng niệu đạo, tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Khô âm đạo

Bệnh lậu có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho em bé. Do đó, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có nguy cơ cao cần đi xét nghiệm STD và điều trị kịp thời.

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng kháng sinh.

Bệnh rận mu

Bệnh rận mu do một loại ký sinh trùng rất nhỏ sống trong lông mu gây nên. Rận mu còn được gọi là rận cua do hình dáng giống như con cua. Giống như chấy và loại rận sống trên cơ thể, rận mu cũng hút máu người.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh rận mu gồm có:

  • Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Nổi nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Sốt nhẹ
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng

Ngoài ra, người bị bệnh rận mu có thể nhìn thấy rận hoặc đám trứng nhỏ màu trắng xung quanh chân lông. Nếu dùng kính lúp thì sẽ phát hiện ra dễ dàng hơn.

Nếu không được điều trị, rận mu có thể lây sang người khác qua tiếp xúc da hoặc quần áo, ga trải giường, chăn đệm hoặc dùng chung khăn tắm. Tốt nhất là điều trị rận mu càng sớm càng tốt.

Khi bị rận mu thì có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi và dùng nhíp để loại bỏ rận khỏi cơ thể. Một điều quan trọng nữa là phải thường xuyên giặt sạch quần áo, ga trải giường, chăn, khăn tắm và dọn dẹp nhà cửa.

Nhiễm trichomonas

Nhiễm trichomonas là tình trạng do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis gây nên và có thể lây từ người sang người qua đường quan hệ tình dục.

Theo CDC, chỉ có chưa đầy một phần ba số người nhiễm trichomonas gặp phải các triệu chứng. Các triệu chứng này gồm có:

  • Dịch tiết bất thường từ âm đạo, nhiều hơn bình thường, có màu trắng đục, hơi xanh hoặc vàng và có mùi khó chịu
  • Nóng rát hoặc ngứa xung quanh âm đạo hoặc dương vật
  • Đau rát, khó chịu khi đi tiểu hoặc quan hệ
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tiết dịch trắng từ dương vật

Ở phụ nữ bị nhiễm trichomonas, dịch tiết âm đạo thường có mùi tanh khó chịu.

Nếu không được điều trị, nhiễm trichomonas có thể dẫn đến:

  • Nhiễm trùng niệu đạo
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Khô âm đạo

Nhiễm trichomonas được điều trị bằng kháng sinh.

Herpes

Herpes hay còn gọi là mụn rộp là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến do virus Herpes Simplex (HSV) gây nên. Có hai chủng HSV chính là HSV-1 và HSV-2. Cả hai đều lây truyền qua đường tình dục.

HSV-1 chủ yếu gây ra mụn rộp ở quanh miệng, được gọi là mụn rộp môi hay herpes môi. Tuy nhiên, HSV-1 có thể lây truyền từ miệng người này sang bộ phận sinh dục của người khác khi quan hệ tình dục đường miệng và gây ra mụn rộp sinh dục hay herpes sinh dục.

HSV-2 chủ yếu gây ra mụn rộp sinh dục.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh herpes là xuất hiện những mụn rộp lở loét, sưng đỏ xung quanh và đau. Trong trường hợp herpes sinh dục, những vết loét này xuất hiện trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục. Khi bị herpes môi, chúng hình thành trên hoặc xung quanh môi.

Các vết loét herpes thường đóng vảy và lành trong vòng vài tuần. Đợt bùng phát đầu tiên thường là đau đớn nhất. Dần dần, các đợt bùng phát thường xảy ra với tần suất thưa hơn và ít đau đớn hơn.

Bệnh mụn rộp có thể truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ hoặc trong khi sinh. Bệnh mụn rộp bẩm sinh rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Do đó, phụ nữ mang thai cần đi khám để phát hiện bệnh từ sớm và có phương pháp điều trị.

Hiện vẫn chưa có cách chữa trị khỏi bệnh mụn rộp nhưng đã có các loại thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh và làm giảm cơn đau. Ngoài ra các loại thuốc điều trị mụn rộp còn làm giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác.

Bằng cách điều trị kịp thời, đúng cách và có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, người bệnh vẫn có thể sống thoải mái và bảo vệ người khác không bị nhiễm virus.

Các bệnh STD khác

Ngoài các bệnh kể trên ra thì còn có các bệnh STD khác ít phổ biến hơn như:

Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục đường miệng

Quan hệ tình dục qua đường âm đạo và hậu môn không phải là con đường duy nhất lây truyền STD. Bệnh có thể lây qua việc tiếp xúc da hoặc thông qua quan hệ bằng đường miệng. Nói cách khác, STD có thể truyền từ bộ phận sinh dục của người này sang miệng của người khác và ngược lại.

Các bệnh STD lây qua quan hệ đường miệng thường có các triệu chứng thường gặp là đau họng, loét quanh miệng hoặc ở cổ họng.

>>> Các triệu chứng và phương pháp điều trị STD lây qua đường miệng

STD có thể chữa khỏi và không chữa khỏi

Nhiều loại STD có thể chữa khỏi được. Ví dụ, các loại STD dưới đây có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác:

  • Chlamydia
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh lậu
  • Rận mu
  • Nhiễm trichomonas

Tuy nhiên, nhiều bệnh lại không thể chữa khỏi được, ví dụ như:

  • Nhiễm HPV
  • Nhiễm HIV
  • Mụn rộp

Tuy nhiên, ngay cả khi mắc các bệnh không thể chữa khỏi thì hiện nay vẫn có nhiều phương pháp hiệu quả để kiểm soát và điều quan trọng là phải phát hiện sớm. Các phương pháp điều trị thường nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng và giảm nguy cơ lây bệnh sang cho người khác.

Các STD có thể chữa khỏi và không thể chữa khỏi

STD ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai mắc STD có thể lây bệnh cho con trong thời gian mang thai hoặc trong khi sinh. Ở trẻ sơ sinh, STD có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Để ngăn ngừa STD ở trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai cần đi xét nghiệm và điều trị bệnh kịp thời, ngay cả khi không có triệu chứng.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với một hoặc nhiều loại STD trong thời gian mang thai thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc các phương pháp điều trị khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để giảm nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh.

Chẩn đoán STD

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc một trong các bệnh STD thì sẽ cần làm các xét nghiệm để kiểm tra.

Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc STD thì cần làm xét nghiệm ngay cả khi không có triệu chứng vì rất nhiều bệnh không bộc lộ triệu chứng trong thời gian đầu. Ngay cả khi không có triệu chứng thì các bệnh STD cũng có thể gây tổn hại cho cơ thể và lây truyền sang người khác.

Hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu và có thể còn cần đến phương pháp soi tươi dịch sinh dục và nếu có bất kỳ vết loét nào thì sẽ cần lấy dịch từ vết loét để kiểm tra.

Hiện nay còn có bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà có thể phát hiện một số bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng kết quả không phải lúc nào cũng chính xác và không thể bằng xét nghiệm tại bệnh viện.

Phương pháp xét nghiệm Pap smear (Pap) hay phết tế bào cổ tử cung không phải là phương pháp để chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục. Xét nghiệm Pap smear chỉ kiểm tra được sự hiện diện của các tế bào tiền ung thư trên cổ tử cung. Mặc dù cũng có thể được kết hợp với xét nghiệm HPV nhưng kết quả xét nghiệm Pap âm tính chưa chắc đã đảm bảo được một người không bị mắc STD.

Nếu đã từng quan hệ tình dục thì nên làm xét nghiệm.

Những điều cần biết về xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục

Điều trị STD

Phác đồ điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ tùy thuộc vào loại bệnh cụ thể. Dù là bệnh nào thì cả bạn và bạn tình đều phải điều trị khỏi bệnh trước khi tiếp tục quan hệ. Nếu không, bệnh sẽ tiếp tục lây qua lại giữa hai người.

STD do vi khuẩn

Thông thường, khi mắc các bệnh STD do vi khuẩn thì có thể dễ dàng điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh cần uống đủ các loại thuốc và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ, kể cả khi không còn thấy các triệu chứng. Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc tái phát sau khi kết thúc điều trị thì cần cho bác sĩ biết.

STD do virus

Các loại thuốc kháng sinh không thể điều trị STD do virus. Mặc dù hầu hết các bệnh STD do virus đều không có cách chữa trị khỏi nhưng một số có thể tự khỏi và cũng có những biện pháp để làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ lây bệnh.

Ví dụ, có nhiều loại thuốc để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bùng phát bệnh mụn rộp. Tương tự, hiện nay cũng đã có các loại thuốc để ngăn chặn và làm chậm sự tiến triển bệnh ở người nhiễm HIV. Hơn nữa còn có các loại thuốc kháng virus để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Điều trị các bệnh STD khác

Một số loại STD không phải do virus và vi khuẩn gây nên mà là do các loại vi sinh vật khác, ví dụ như:

  • Rận mu
  • Nhiễm trichomonas
  • Ghẻ

Những loại STD này có thể được điều trị bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi. Nếu gặp các triệu chứng bất thường thì nên đi khám để được kết luận bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp.

Ngăn ngừa STD

Quan hệ tình dục an toàn

Quan hệ tình dục an toàn là cách duy nhất để tránh mắc các bệnh STD.

Nếu được sử dụng đúng, bao cao su không chỉ có tác dụng giúp tránh mang thai ngoài ý muốn mà còn là biện pháp bảo vệ rất hiệu quả khỏi nhiều loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Để giảm nguy cơ mắc bệnh một cách tối đa, cần đeo bao cao su cả khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn và đường miệng. Đặc biệt, khi quan hệ đường miệng thì cần dùng tấm bảo vệ miệng hay màng chắn miệng.

Mặc dù bao cao su giúp ngăn chặn các bệnh lây lan qua dịch cơ thể, chẳng hạn như tinh dịch hoặc máu nhưng lại không thể tạo sự bảo vệ hoàn toàn khỏi các bệnh lây lan qua tiếp xúc da. Nếu bao cao su không bao phủ được hết vùng da bị nhiễm bệnh thì bạn vẫn có thể mắc STD hoặc lây bệnh cho bạn tình.

Có nhiều phương pháp kiểm soát sinh sản và làm giảm khả năng mang thai ngoài ý muốn nhưng lại không phải biện pháp phòng ngừa STD, ví dụ như:

  • Thuốc tránh thai dạng uống
  • Thuốc tránh thai dạng tiêm
  • Que cấy tránh thai
  • Vòng tránh thai

Không quan hệ với nhiều người

Giảm số lượng bạn tình sẽ làm giảm nguy cơ mắc STD. Tốt nhất chỉ nên quan hệ với một người nhưng cần đảm bảo cả hai không mắc STD và nên nói chuyện cởi mở, thành thực với nhau, thậm chí có thể đi xét nghiệm nếu cẩn thiết.

Không uống quá nhiều rượu và sử dụng chất kích thích

để tránh những hành vi mất kiểm soát như quan hệ tinh dục không an toàn.

Tiêm vắc-xin

Cả nam và nữ đều nên tiêm vắc-xin HPV để bảo vệ chống lại một số loại HPV phổ biến nhất. Tốt nhất là nên tiêm cả ba mũi trước khi quan hệ tình dục. Vắc-xin HPV được khuyến nghị cả con gái và con trai từ 11 đến 12 tuổi nhưng có thể tiêm từ khi 9 tuổi. Nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ ở độ tuổi này thì có thể tiêm đến hết năm 26 tuổi.Tiêm vắc-xin HPV rất an toàn, hiệu quả và giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến HPV như mụn cóc và một số loại ung thư.

Cân nhắc cắt bao quy đầu

Một số nghiên cứu đã chứng minh, việc cắt bao quy đầu ở nam giới có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 60% từ một phụ nữ bị mắc bệnh. Việc này còn giúp ngăn ngừa lây truyền HPV và herpes sinh dục.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)

Đây là phương pháp giúp ngăn ngừa nhiễm HIV dành cho những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhưng chưa bị phơi nhiễm virus. Một số loại thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đã được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt gồm có emtricitabine kết hợp tenofovir disoproxil fumarate (Truvada) và emtricitabine kết hợp tenofovir alafenamide (Descovy).

Sàng lọc thường xuyên

Sàng lọc STD thường xuyên là biện pháp giúp phát hiện bệnh từ sớm. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh, ví dụ như quan hệ với người lạ, trai/gái mại dâm hoặc quan hệ với nhiều người. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp tránh lây bệnh cho người khác.

Trước khi quan hệ với bất cứ người nào thì tốt nhất là cả hai nên đi xét nghiệm STD. Vì trong thời gian đầu, STD thường không có triệu chứng nên xét nghiệm là cách duy nhất để biết một người có mắc bệnh hay không.

Không phải phương pháp xét nghiệm nào cũng có thể phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục nên cần đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn về những xét nghiệm cụ thể cần thực hiện.

Nếu một trong hai người có kết quả xét nghiệm dương tính với STD thì cần tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra và ngoài ra hãy hỏi bác sĩ về các biện pháp để bảo vệ bản thân hoặc bạn tình không bị lây nhiễm bệnh. Ví dụ, nếu bị nhiễm HIV thì sẽ cần dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Nếu đủ điều kiện thì cả hai người nên cân nhắc tiêm phòng HPV và viêm gan B.

Bằng cách làm theo các biện pháp kể trên, bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc STD cũng như là nguy cơ lây cho người khác.

Tầm quan trọng của quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp phòng ngừa STD

Sống chung với STD

Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với STD thì cần phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.

Nếu đã mắc một bệnh lây qua đường tình dục thì bạn sẽ có nguy cơ cao mắc phải các bệnh khác. Một số bệnh STD có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Thậm chí trong một số ít trường hợp, STD không được điều trị còn gây tử vong.

Tuy nhiên, hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục hiện nay đều đã có phương pháp điều trị và nhiều bệnh còn có thể chữa khỏi được hoàn toàn. Trong các trường hợp mắc bệnh không thể chữa khỏi, việc điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng, nguy cơ biến chứng và lây truyền bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, người bệnh cần điều chỉnh việc quan hệ tình dục của mình để bảo vệ bản thân và người khác. Đôi khi sẽ cần tạm thời ngừng quan hệ hoàn toàn cho đến khi điều trị khỏi bệnh hoặc bệnh được kiểm soát. Còn nếu vẫn tiếp tục quan hệ thì cần sử dụng các biện pháp bảo vệ như mang bao cao su, tấm bảo vệ miệng hoặc biện pháp khác.

Việc thực hiện đúng theo phác đồ điều trị và có biện pháp phòng ngừa sẽ giúp cải thiện đáng kể triển vọng về lâu dài khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây