1

Tử cung: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Tử cung là một cơ quan trong hệ sinh dục nữ, có hình dạng giống như quả lê lộn ngược và có thành dày. Chức năng chính của tử cung là bao bọc và nuôi dưỡng thai nhi cho đến khi sinh.
Tử cung: Vị trí, cấu tạo và chức năng Tử cung: Vị trí, cấu tạo và chức năng

Nội dung chính của bài viết

  • Tử cung nằm ở giữa khung xương chậu, đằng sau bàng quang và phía trước trực tràng.
  • Tử cung gồm đáy tử cung, thân tử cung, eo tử cung và cổ tử cung.
  • Tử cung là nơi mà trứng đã thụ tinh làm tổ và thực hiện chức năng nuôi dưỡng trứng phát triển thành thai nhi cho đến khi thai nhi đủ trưởng thành để ra ngoài.
  • Tử cung là một cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể phụ nữ, do đó cần phải tiêm vắc-xin ngừa HPV, sử dụng bao cao su khi quan hệ, không hút thuốc và đi khám định kỳ giúp tử cung luôn khỏe mạnh. 

Vị trí

Tử cung nằm ở giữa khung xương chậu, đằng sau bàng quang và phía trước trực tràng. Vị trí thực tế của tử cung trong khung xương chậu thay đổi theo từng người và mỗi vị trí đều có tên riêng:

  • Tử cung ngả trước: Tử cung nghiêng nhẹ về phía thành bụng.
  • Tử cung ngả sau: Tử cung nghiêng về phía trực tràng.

Cả hai vị trí này đều bình thường và vị trí của tử cung có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của người phụ nữ, đặc biệt là sau khi mang thai.

>>> Tử cung ngả trước

>>> Tử cung ngả sau

Cấu tạo

Ở người trưởng thành, tử cung có chiều dài khoảng 7.5cm, rộng khoảng 5cm ở phần trên và dày khoảng 2.5 – 3cm, nặng xấp xỉ 30 – 40g. Tử cung gồm có các bộ phận sau đây.

Đáy tử cung

Đáy tử cung nằm ở phần trên cùng của tử cung. Đây là phần rộng nhất với đỉnh hơi nhô và nối với các ống dẫn trứng.

Thân tử cung

Đây là phần nằm bên dưới đáy tử cung. Thân tử cung được cấu tạo từ ba lớp cơ là cơ vòng, cơ dọc và cơ đan chéo, có thể giãn rộng để chứa bào thai. Trong quá trình chuyển dạ, các lớp cơ của thành tử cung co lại để đẩy thai nhi qua cổ tử cung và âm đạo.

Toàn bộ bên trong tử cung được bao phủ bởi một màng gọi là niêm mạc tử cung hay nội mạc tử cung. Lớp màng này đáp ứng với hormone sinh sản và thay đổi độ dày vào mỗi kỳ kinh nguyệt. Khi trứng được thụ tinh, nó sẽ bám vào niêm mạc tử cung. Còn khi không có sự thụ tinh diễn ra thì niêm mạc tử cung sẽ bong ra và đi ra ngoài cùng với trứng không được thụ tình trong kỳ kinh nguyệt.

Eo tử cung

Phần nằm giữa thân tử cung và cổ tử cung được gọi là eo tử cung. Đây là nơi mà thành tử cung bắt đầu thu hẹp về phía cổ tử cung.

Cổ tử cung

Cổ tử cung là phần dưới cùng của tử cung. Bề mặt bên trong được bao phủ bởi một lớp niêm mạc mịn và đây là bộ phận nối tử cung với âm đạo. Bình thường, các tuyến trong niêm mạc cổ tử cung tiết ra chất nhầy đặc, ngăn cản tinh trùng xâm nhập nhưng khi đến giai đoạn rụng trứng, chất nhầy này trở nên lỏng hơn để cho phép tinh trùng dễ dàng đi vào tử cung.

Cổ tử cung được cấu tạo từ ba phần chính là:

  • Nội cổ tử cung: phần bên trong của cổ tử cung
  • Kênh cổ tử cung: nối tử cung với âm đạo
  • Ngoại tử cung: phần bên ngoài của cổ tử cung, nhô vào âm đạo

Trong quá trình sinh nở, cổ tử cung giãn rộng để em bé đi qua và ra ngoài.

Chức năng

Tử cung là nơi mà trứng đã thụ tinh làm tổ và thực hiện chức năng nuôi dưỡng trứng phát triển thành thai nhi cho đến khi thai nhi đủ trưởng thành để ra ngoài. Trứng sau khi được thụ tinh sẽ bám vào niêm mạc tử cung và lấy dinh dưỡng từ các mạch máu. Sau đó, trứng trở thành phôi thai, phát triển thành bào thai và tiếp tục phát triển cho đến khi được sinh ra ngoài.

Các vấn đề ở tử cung

Các vấn đề bẩm sinh

“Bẩm sinh” là từ dùng cho những vấn đề mà một người sinh ra đã mắc phải. Theo thống kê, cứ 300 phụ nữ thì lại có 1 người có vấn đề hay dị tật bẩm sinh ở tử cung. Trong nhiều trường hợp, các vấn đề bẩm sinh này có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ.

Một số dị tật bẩm sinh ở tử cung gồm có:

  • Tử cung có vách ngăn (septate uterus): Đây là dị tật mà tử cung bị chia làm hai phần bởi một dải cơ.
  • Tử cung hai sừng (bicornuate uterus): Đáy tử cung có một đường lõm sâu, khiến cho tử cung có hai buồng nhỏ thay vì một buồng lớn như bình thường nhưng vẫn chỉ một cổ tử cung.
  • Tử cung đôi (didelphic uterus): Tử cung có hai buồng nhỏ, mỗi buồng lại có cổ tử cung riêng.
  • Tử cung một sừng (unicornuate uterus): Tử cung có kích thước nhỏ hơn (chỉ bằng một nửa) bình thường và chỉ có một ống dẫn trứng thay vì hai.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi nội mạc tử cung - lớp bao phủ bề mặt bên trong tử cung - lại hình thành ở bên ngoài tử cung. Đôi khi, lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến cả buồng trứng, ống dẫn trứng và lớp màng bao phủ khung xương chậu. Bệnh lý này thường gây đau dữ dội, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ, có thể dẫn đến vô sinh.

U xơ tử cung

U xơ tử cung là bệnh lý có các khối u lành tính (không phải ung thư) hình thành trên thành tử cung. Các khối u này có nhiều kích thước khác nhau, từ rất nhỏ (chỉ bằng hạt đậu) cho đến kích thước lớn (có thể bằng quả cam). Mặc dù u xơ không phải khi nào cũng gây ra các triệu chứng bất thường nhưng khi có thì các triệu chứng thường gặp là chảy máu và đau đớn. Ngoài ra, những khối u xơ lớn còn có thể gây ra các vấn đề về chức năng sinh sản.

Sa tử cung

Sa là vấn đề xảy ra khi hệ thống hỗ trợ của một cơ quan bị giãn hoặc bị tổn hại, khiến cho cơ quan đó bị lệch khỏi vị trí bình thường. Sa tử cung xảy ra khi một phần tử cung tụt xuống âm đạo. Trong những trường hợp nghiêm trọng, một phần của tử cung còn nhô khỏi cửa âm đạo. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng này, ví dụ như sinh con, phẫu thuật, mãn kinh hoặc các hoạt động thể chất quá nặng.

Bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu là một bệnh lý nhiễm trùng trong các cơ quan sinh dục nữ. Đôi khi, nguyên nhân gây viêm vùng chậu là do cùng một loại vi khuẩn gây bệnh lậu và bệnh chlamydia nhưng đôi khi cũng có thể là do các loại vi khuẩn khác.

Các triệu chứng thường gặp nhất của viêm vùng chậu là đau bụng dưới, đau khi quan hệ và khi đi tiểu. Ngoài ra còn có các triệu chứng như dịch tiết âm đạo bất thường, mệt mỏi và ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt. Nếu không được điều trị, viêm vùng chậu có thể gây vô sinh và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Ung thư tử cung

Ung thư tử cung có thể bắt đầu hình thành ở bất cứ đâu trong tử cung nhưng phổ biến nhất là ở nội mạc tử cung. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung gồm có béo phì và uống estrogen mà không bổ sung thêm progesterone.

Ung thư tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào của cổ tử cung và dẫn đến ung thư cổ tử cung. Hút thuốc lá, hệ miễn dịch suy yếu và các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác nữa.

Triệu chứng của các vấn đề ở tử cung

Mặc dù mỗi vấn đề lại biểu hiện những triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng chung của các vấn đề, bệnh lý ở tử cung gồm có:

  • Ra máu nhiều vào kỳ kinh nguyệt
  • Ra máu giữa các kỳ kinh
  • Dịch tiết âm đạo có màu bất thường hoặc có mùi hôi
  • Đau vùng chậu hoặc thắt lưng
  • Đau đớn khi có kinh nguyệt hoặc khi quan hệ
  • Đau khi đi tiểu hoặc đi ngoài

Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Cách giữ tử cung khỏe mạnh

Tử cung là một cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể phụ nữ. Do đó, cần giữ cho tử cung khỏe mạnh bằng các cách sau:

Xét nghiệm Pap smear định kỳ

Xét nghiệm Pap smear hay Pap là phương pháp giúp phát hiện những thay đổi tiền ung thư ở cổ tử cung và các vấn đề khác ở tử cung. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến nghị:

  • Tất cả phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi đều nên làm xét nghiệm Pap smear 3 năm một lần/
  • Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên cần làm xét nghiệm Pap smear, cùng với xét nghiệm HPV 5 năm một lần cho đến khi 65 tuổi, ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin ngừa HPV.
  • Phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng xét nghiệm Pap smear nếu như đã xét nghiệm thường xuyên trong 10 năm gần nhất, trừ khi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tử cung.

Tiêm vắc-xin ngừa HPV

Vắc-xin HPV hiện nay có tác dụng giúp chống lại 9 chủng HPV. Đối tượng được khuyến nghị tiêm loại vắc-xin này là nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA, vắc-xin này có thể ngăn ngừa tới 90% ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và ung thư hậu môn.

Sử dụng bao cao su

Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp ngăn ngừa nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung hoặc viêm vùng chậu ở phụ nữ.

Không hút thuốc

Hút thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư cổ tử cung. Do đó không nên hút thuốc và cố gắng tránh xa khói thuốc lá.

Chú ý đến chế độ ăn uống

Dưới đây là các loại thực phẩm tốt cho cổ tử cung và đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể:

  • Thực phẩm giàu axit folic, như bông cải xanh và các loại rau xanh, các loại quả họ cam chanh, các loại đậu,…
  • Thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, đu đủ,…
  • Thực phẩm giàu beta carotene như cà rốt, bí và dưa vàng…
  • Thực phẩm giàu vitamin E như bánh mì nguyên cám và ngũ cốc…

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây