1

Rối Loạn Cương Dương

Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương (erectile dysfunction - ED) là tình trạng mà nam giới không thể cương cứng hoặc không duy trì được trạng thái cương cứng khi hoạt động tình dục. Tình trạng này còn được gọi là “bất lực”.

Rối loạn cương dương có thể xảy ra do các vấn đề ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình cương cứng. Sự cương cứng là kết quả của hiện tượng tăng lưu lượng máu đến dương vật. Hiện tượng này được kích thích bởi suy nghĩ tình dục hoặc sự đụng chạm đến dương vật cũng như là các vùng nhạy cảm khác trên cơ thể.

Khi nam giới được kích thích tình dục, các cơ ở dương vật sẽ giãn ra. Điều này cho phép tăng lưu thông máu qua các động mạch ở dương vật và chảy vào hai khoang bên trong dương vật. Khi các khoang này chứa đầy máu thì dương vật sẽ cương cứng.

Sự cương cứng kết thúc khi các cơ co lại và lượng máu tích tụ lại chảy ra qua các tĩnh mạch ở dương vật.

Đa số nam giới đều từng ít nhất một lần gặp vấn đề khó cương cứng khi hoạt động tình dục do các nguyên nhân khác nhau, ví dụ như căng thẳng. Đây là điều không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu vấn đề xảy ra với tần suất thường xuyên thì lại có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe cần điều trị. Đôi khi, đó cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề về tâm lý. Rối loạn cương dương là một vấn đề rất phổ biến và có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, sự tự tin, chất lượng cuộc sống và cả mối quan hệ vợ chồng.

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra rối loạn cương dương, bao gồm cả các nguyên nhân về thể chất và tâm lý. Chức năng cương dương bình thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:

  • Lưu lượng máu
  • Hệ thống thần kinh
  • Nội tiết tố (hormone)

Nguyên nhân về thể chất

Nếu vấn đề với chức năng cương dương kéo dài mà không cải thiện thì cần đi khám bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề sức khỏe.

Cho dù nguyên nhân ở mức độ nhẹ hay nặng nhưng chỉ cần phát hiện kịp thời thì đều sẽ có cách giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn và cải thiện chất lượng đời sống tình dục.

Dưới đây là những nguyên nhân về thể chất phổ biến nhất gây rối loạn cương dương:

  • Bệnh tim mạch và hẹp mạch máu
  • Bệnh tiểu đường
  • Cao huyết áp
  • Mức cholesterol cao
  • Béo phì và hội chứng chuyển hóa
  • Bệnh Parkinson
  • Đa xơ cứng
  • Rối loạn nội tiết tố, bao gồm bệnh tuyến giáp và thiếu hụt testosterone
  • Vấn đề về cấu trúc giải phẫu của dương vật, chẳng hạn như bệnh cong dương vật (Peyronie)
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Hút thuốc lá, nghiện rượu và lạm dụng chất kích thích, ví dụ như cocaine
  • Các phương pháp điều trị bệnh tuyến tiền liệt
  • Biến chứng hoặc chấn thương sau phẫu thuật ở vùng chậu hoặc tủy sống
  • Phương pháp điều trị phì đại hoặc ung thư tuyến tiền liệt
  • Xạ trị ở vùng chậu

Xơ vữa động mạch là một nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về lưu thông máu. Xơ vữa động mạch gây hẹp hoặc làm tắc nghẽn các động mạch ở dương vật, cản trở sự lưu thông máu cần thiết đến dương vật để có thể cương cứng.

Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc kê đơn cũng có thể gây rối loạn cương dương, ví dụ như:

  • Thuốc điều trị cao huyết áp
  • Thuốc điều trị tim mạch như digoxin
  • Một số loại thuốc lợi tiểu
  • Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, gồm có một số loại thuốc ngủ và chất kích thích amphetamine
  • Thuốc điều trị rối loạn lo âu
  • Thuốc chống trầm cảm, gồm có thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOIs), thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid
  • Một số loại thuốc điều trị ung thư, bao gồm cả các thuốc hóa trị
  • Thuốc điều trị bệnh tuyến tiền liệt
  • Thuốc kháng cholinergic
  • Thuốc điều trị nội tiết tố
  • Thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng cimetidine

Tuy nhiên, khi đang dùng thuốc theo đơn thì không được tự ý ngừng mà cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước.

Nguyên nhân về thể chất chiếm đến 90% các trường hợp rối loạn cương dương và chỉ 10% là do các nguyên nhân về tâm lý.

Nguyên nhân về tâm lý

Trong một số trường hợp hiếm gặp, nam giới có thể bị rối loạn cương dương mãn tính suốt từ độ tuổi dậy thì, có nghĩa là chưa bao giờ đạt được sự cương cứng. Tình trạng này được gọi là rối loạn cương dương nguyên phát và nguyên nhân thường là do yếu tố tâm lý nếu không có vấn đề về sinh lý hoặc dị tật trong cấu tạo giải phẫu. Các yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến chức năng cương dương gồm có:

  • Cảm giác tội lỗi
  • Chứng sợ tiếp xúc gần gũi
  • Lo âu, phiền muộn hay trầm cảm
  • Căng thẳng

Rối loạn cương dương nguyên phát là vấn đề rất hiếm gặp và hầu hết đều là rối loạn cương dương thứ phát, có nghĩa là trước đây chức năng cương dương vẫn bình thường nhưng đột nhiên có vấn đề. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề về thể chất.

Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng các yếu tố về tâm lý cũng có thể gây ra hoặc góp phần dẫn đến rối loạn cương dương, từ các bệnh lý về tâm thần cho đến các trạng thái cảm xúc hàng ngày mà hầu hết mọi người đều từng trải qua trong cuộc sống.

Tuy nhiên, một người có thể gặp phải các vấn đề về thể chất và tâm lý cùng một lúc. Ví dụ, ở người bị béo phì, sự suy giảm lưu thông máu có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự cương cứng, đó là nguyên nhân về thể chất. Tuy nhiên, thân hình nặng nề, đồ sộ có thể khiến cho người đó cảm thấy tự ti và điều này cũng ảnh hưởng đến chức năng cương dương. Đó là ột nguyên nhân về tâm lý.

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương có thể chỉ là do một trong các vấn đề kể trên hoặc cũng có thể là sự kết hợp của nhiều vấn đề cùng một lúc. Đó là lý do tại sao cần đi khám bác sĩ để có thể xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.

Các yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương. Những yếu tố nguy cơ này thường liên quan đến sự lưu thông máu hoặc từng bị chấn thương.

Một yếu tố khác làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương là tuối tác cao. Khi có tuổi, nam giới sẽ khó cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng hơn so với những năm tháng còn trẻ. Ngoài ra, nam giới lớn tuổi cũng sẽ cần kích thích trực tiếp nhiều hơn để đạt được sự cương cứng khi hoạt động tình dục.

Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương còn có:

  • Mắc một bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch hoặc tiểu đường
  • Có một vấn đề về tâm lý như lo lắng hoặc trầm cảm
  • Thừa cân, béo phì
  • Từng bị chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng chậu
  • Đang dùng một số loại thuốc, như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc huyết áp
  • Đã từng hoặc đang trong quá trình xạ trị để điều trị bệnh ung thư
  • Thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu hoặc dùng chất kích thích

Triệu chứng rối loạn cương dương

Bạn có thể bị rối loạn cương dương nếu như thường xuyên có các triệu chứng dưới đây:

  • Khó cương cứng
  • Khó duy trì trạng thái cương cứng khi hoạt động tình dục
  • Giảm hứng thú đối với tình dục

Ngoài ra, rối loạn cương dương cũng có thể gây:

Cần đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là khi các triệu chứng kéo dài từ 3 tháng trở lên. Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm nhằm xác định xem các triệu chứng có phải do một vấn đề tiềm ẩn hay không.

Chẩn đoán rối loạn cương dương bằng cách nào?

Qua trình chẩn đoán rối loạn cương dương được thực hiện qua nhiều bước, gồm có thăm khám lâm sàng, lấy bệnh sử và làm các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để tìm ra căn nguyên của vấn đề.

Kiểm tra sức khỏe

Kiểm tra sức khỏe là bước mà trong đó bác sĩ sẽ lắng nghe tim và phổi, đo huyết áp và kiểm tra tinh hoàn cùng với dương vật. Ngoài ra có thể sẽ cần thăm khám trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt.

Kiểm tra tâm lý

Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi về các triệu chứng, bệnh sử và tiền sử về hoạt động tình dục. Qua các câu trả lời của bạn, bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn cương dương.

Một số câu hỏi mà bạn có thể sẽ được hỏi gồm có:

  • Đã bị rối loạn cương dương bao lâu rồi? Vấn đề xảy đến đột ngột hay dần dần?
  • Có bất kỳ vấn đề gì về ham muốn tình dục, xuất tinh hoặc đạt cực khoái hay không?
  • Có thường xuyên quan hệ tình dục không? Tần suất quan hệ gần đây có thay đổi không?
  • Mức độ cương cứng của dương vật khi được kích thích? Mức độ cương cứng có bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh hoặc loại kích thích cụ thể không?
  • Có cương cứng vào buổi sáng hoặc giữa đêm không?
  • Gần đây mối quan hệ vợ chồng có vấn đề gì hay không?
  • Gần đây có bị căng thẳng không?
  • Những loại thuốc đang dùng? Có hút thuốc lá, uống rượu hoặc dùng thuốc không kê đơn không?
  • Có mắc phải bệnh lý hoặc có từng bị chấn thương/làm phẫu thuật ở vùng chậu không?

Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác nhận rối loạn cương dương. Các phương pháp thường được sử dụng gồm có:

  • Siêu âm: nhằm kiểm tra hệ thống mạch máu của dương vật để xác định xem có vấn đề với sự lưu thông máu hay không.
  • Kiểm tra sự cương cứng của dương vật vào ban đêm (Nocturnal penile tumescence test): đây là phương pháp sử dụng một thiết bị di động chạy bằng pin đeo ở đùi nhằm đánh giá mức độ cương cứng vào ban đêm. Sau đó bác sĩ sẽ sử dụng dữ liệu được thu thập trong thiết bị để phân tích.
  • Xét nghiệm kích thích sự cương cứng: Trong phương pháp này, một loại thuốc được tiêm vào dương vật để kích thích sự cương cứng. Điều này cho phép bác sĩ đánh giá độ cứng và thời gian kéo dài của trạng thái cương cứng
  • Xét nghiệm nước tiểu: nhằm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
  • Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về tuyến giáp và nồng độ testosterone thấp.

Kết quả của những phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân cụ thể gây rối loạn cương dương và có phương án điều trị thích hợp.

Điều trị rối loạn cương dương

Phác đồ điều trị rối loạn cương dương sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên. Bạn có thể cần điều trị bằng cách kết hợp các phương pháp với nhau. Dưới đây là những phương pháp điều trị rối loạn cương dương phổ biến.

Thuốc đường uống

Bác sĩ sẽ kê thuốc để kiểm soát các triệu chứng rối loạn cương dương. Bạn có thể sẽ cần phải thử nhiều loại thuốc khác nhau rồi mới có thể tìm ra loại thuốc phù hợp với mình. Các loại thuốc đường uống thường được sử dụng phổ biến để điều trị rồi loạn cương dương gồm có:

  • Avanafil (Stendra)
  • Sildenafil (Viagra)
  • Tadalafil (Cialis)
  • Vardenafil (Levitra, Staxyn)

Tất cả 4 loại thuốc này đều có công dụng tăng cường hoạt động của oxit nitric - một hóa chất tự nhiên mà cơ thể tạo ra để làm thư giãn các cơ ở dương vật. Điều này làm tăng lưu lượng máu và cho phép dương vật cương cứng khi đáp ứng với kích thích tình dục.

Tuy nhiên, các loại thuốc này sẽ không làm cho dương vật tự động cương cứng mà vẫn cần có kích thích từ bên ngoài để các dây thần kinh báo cho cơ thể giải phóng oxit nitric. Những loại thuốc này sẽ khuếch đại tín hiệu thần kinh và tăng khả năng cương cứng. Các thuốc điều trị rối loạn cương dương đường uống không phải là thuốc kích dục, sẽ không gây hưng phấn và không phù hợp cho những nam giới có chức năng cương dương bình thường.

Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng cụ thể mà chỉ định loại thuốc phù hợp nhất. Những loại thuốc này có thể sẽ không khắc phục được tình trạng rối loạn cương dương ngay lập tức nên sẽ cần kiên nhẫn dùng một thời gian.

Mỗi một loại thuốc lại được dùng với liều lượng, thời gian phát huy tác dụng và tác dụng phụ khác nhau. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm đỏ bừng mặt, nghẹt mũi, nhức đầu, thay đổi thị giác, đau lưng và đau bụng. Thuốc điều trị rối loạn cương dương có thể sẽ kém hiệu quả trong một số trường hợp, chẳng hạn như sau phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc người bị tiểu đường. Một số loại thuốc cũng có thể gây nguy hiểm nếu như:

  • Đang dùng thuốc nitrat – nhóm thuốc thường được kê để điều trị đau thắt ngực. Nhóm thuốc này gồm có nitroglycerin (Minitran , Nitro-Dur, Nitrostat,…), isosorbide mononitrate (Monoket) và isosorbide dinitrate (Dilatrate-SR, Isordil)
  • Bị bệnh tim, ví dụ như suy tim
  • Huyết áp rất thấp

Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình dùng thuốc thì cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều hoặc chuyển sang loại thuốc khác.

Không nên tự mua và sử dụng các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương không kê đơn, thực phẩm chức năng hay thảo dược mà cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

Một số loại thuốc được dùng để điều trị các vấn đề khác có thể gây rối loạn cương dương nhưng không được tự ý ngừng thuốc mà cần nói chuyện với bác sĩ điều trị về vấn đề đang gặp phải để bác sĩ xác định xem liệu đó có đúng là tác dụng phụ của thuốc hay không và có phương án điều chỉnh.

Tìm hiểu về các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương

Các loại thuốc khác

Ngoài các loại thuốc đường uống thì còn có các loại thuốc khác để điều trị rối loạn cương dương như:

  • Alprostadil: Đây là một loại thuốc dạng tiêm, được tiêm bằng kim cỡ nhỏ vào gốc hoặc bên cạnh dương vật. Mỗi lần tiêm một liều vừa đủ để tạo sự cương cứng kéo dài không quá một tiếng. Vì sử dụng kim tiêm rất mảnh nên phương pháp này hầu như không gây đau. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có chảy máu nhẹ ở vị trí tiêm, cương đau dương vật kéo dài (priapism) và hình thành mô xơ tại vị trí tiêm (rất hiếm gặp).
  • Thuốc đặt niệu đạo Alprostadil: Đây là phương pháp sử dụng một dụng cụ đặc biệt để đặt một viên thuốc alprostadil nhỏ vào bên trong niệu đạo. Thuốc sẽ bắt đầu phát huy tác dụng sau khoảng 10 phút và sau đó hiệu quả thường kéo dài được khoảng từ 30 đến 60 phút. Các tác dụng phụ có thể xảy ra như đau, rỉ máu ở niệu đạo và hình thành các mô xơ bên trong dương vật.
  • Liệu pháp testosterone: Ở một số nam giới, rối loạn cương dương còn đi kèm với thiếu hụt hormone testosterone, khiến cho vấn đề càng thêm nặng hơn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định liệu pháp testosterone làm bước điều trị đầu tiên hoặc kết hợp cùng với các liệu pháp khác.

Máy hút chân không dương vật

Thiết bị này sử dụng lực hút chân không để đưa máu vào dương vật và tạo sự cương cứng.

Máy hút chân không dương vật gồm có các bộ phận chính:

  • Một ống nhựa
  • Một máy bơm chạy bằng tay hoặc chạy pin
  • Một vòng đàn hồi

Đầu tiên, đưa dương vật vào bên trong ống nhựa, sau đó dùng tay hoặc bật máy bơm để hút không khí ra khỏi ống. Điều này sẽ tạo lực hút chân không đưa máu vào dương vật và tạo sự cương cứng.

Một khi đã cương cứng thì sẽ trượt vòng đàn hồi xung quanh gốc dương vật để giữ máu trong dương vật và duy trì trạng thái cương cứng. Sau đó tháo thiết bị hút chân không ra.

Trạng thái cương cứng sẽ được duy trì đủ lâu để quan hệ tình dục. Sau khi xong thì sẽ tháo vòng đàn hồi ra. Phương pháp này có thể sẽ gây một số vấn đề không mong muốn như bầm tím, khả năng xuất tinh bị hạn chế do vòng đàn hồi hay dương vật có cảm giác lạnh khi chạm.

Đọc thêm về máy bơm chân không và cách sử dụng

Trị liệu tâm lý

Một số yếu tố tâm lý có thể gây ra chứng rối loạn cương dương gồm có:

  • Căng thẳng
  • Lo âu, phiền muộn
  • Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Nếu bạn đang bị rối loạn cương dương do vấn đề tâm lý thì sẽ cần trị liệu với bác sĩ tâm lý.

>>> Những ảnh hưởng của căng thẳng và lo lắng đến chức năng cương dương

Phẫu thuật

Khi các phương pháp khác đều không có tác dụng thì sẽ cần tiến hành phẫu thuật. Có hai phương pháp phẫu thuật để khắc phục chứng rối loạn cương dương, đó là phẫu thuật cấy ghép thể hang nhân tạo và phẫu thuật mạch máu.

Cấy ghép thể hang nhân tạo

Đây là phương pháp phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo vào cả hai bên của dương vật. Có hai loại thể hang nhân tạo là loại có thể bơm dung dịch hoặc loại bán cứng. Loại thể hang bơm dung dịch gồm có hai ống rỗng được đặt vào hai khoang cương của dương vật, bơm bằng tay và túi chứa chất lỏng. Khi bóp vào bơm ở bên ngoài, chất lỏng sẽ được đưa từ túi chứa vào hai ống rỗng và tạo sự cương cứng. Loại thể hang này cho phép kiểm soát thời điểm bắt đầu và thời gian duy trì trạng thái cương cứng. Loại thể hang bán cứng gồm có hai thanh dài có thể uốn được, giúp giữ cho dương vật cương cứng mà vẫn có thể uốn cong linh hoạt.

Phẫu thuật mạch máu

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ sửa lại các động mạch bị tắc nghẽn nhằm khôi phục sự lưu thông máu bình thường đến dương vật. Phương pháp này thường phù hợp cho nam giới trẻ tuổi.

Phẫu thuật thường là phương án cuối cùng, chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả. Vì cần phẫu thuật nên các phương pháp này đều có đi kèm một số rủi ro, chẳng hạn như nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị tự nhiên

Thảo dược và viên uống bổ sung

Một số loại thảo dược và viên uống bổ sung đã được chứng minh là có thể điều trị rối loạn cương dương gồm có:

  • Thiên môn chùm (asparagus racemosus)
  • Dehydroepiandrosterone (DHEA)
  • Nhân sâm, đặc biệt là hồng sâm
  • L-arginine
  • L-carnitine
  • Yohimbe
  • Cỏ sừng dê (horny goat weed)
  • Kẽm

Mặc dù là phương pháp điều trị tự nhiên nhưng vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thảo dược và viên uống bổ sung vì các sản phẩm này vẫn có tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc đang dùng.

Ngoài ra, một số thảo dược, như yohimbe còn có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm.

Châm cứu

Châm cứu là một phương pháp được ứng dụng lâu đời trong y học cổ truyền Trung Hoa, trong đó kim được đâm qua da vào các huyệt đạo trên cơ thể. Phương pháp châm cứu phát huy hiệu quả dựa trên cơ chế kích thích thần kinh và giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh.

Hiện các nghiên cứu khoa học vẫn chưa rõ phương pháp châm cứu điều trị rối loạn cương dương bằng cơ chế nào vì số lượng các nghiên cứu về chủ đề này vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2019 đã chỉ ra rằng châm cứu có thể giúp điều trị chứng rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý.

Mát-xa

Massage tuyến tiền liệt là một hình thức trị liệu có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng rối loạn cương dương. Liệu pháp này thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Trong quá trình thực hiện, chuyên viên sẽ xoa bóp vùng mô trong và xung quanh bẹn để thúc đẩy lưu thông máu đến dương vật. Thường sẽ phải trị liệu 2 – 3 lần mỗi tuần và tổng thời trị liệu sẽ phụ thuộc vào tình trạng thực tế.

Cho đến nay, vẫn chỉ có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp mát-xa tuyến tiền liệt đối với chứng rối loạn cương dương.

Có nhiều giải pháp khác nhau để cải thiện, điều trị tình trạng rối loạn cương dương. Có thể chỉ cần một trong các phương pháp kể trên hoặc sẽ cần kết hợp các phương pháp với nhau. Các biện pháp điều trị tự nhiên như châm cứu hay mát-xa có thể được kết hợp cùng với các loại thuốc để có hiệu quả tối ưu.

Các bài tập hỗ trợ

Bài tập Kegel

Bài tập Kegel là những động tác đơn giản để tăng cường cơ sàn chậu. Cách thực hiện như sau:

  1. Xác định cơ sàn chậu bằng cách giả vờ như đang ngừng tiểu giữa chừng. Các cơ mà bạn đang siết lại chính là cơ sàn chậu.
  2. Khi đã xác định được, hãy siết chặt cơ sàn chậu trong 3 giây rồi thả lỏng
  3. Lặp lại 10 đến 20 lần và thực hiện như vậy 3 lần mỗi ngày.

Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm chứng minh hiệu quả của bài tập Kegel đối với nam giới bị rối loạn cương dương. Những người tham gia được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất thực hiện các bài tập cơ sàn chậu thường xuyên cùng với liệu pháp phản hồi sinh học và thay đổi lối sống. Còn nhóm thứ hai chỉ điều trị bằng liệu pháp phản hồi sinh học và thay đổi lối sống.

Ở những nam giới trong nhóm thứ nhất, chức năng cương dương có sự cải thiện đáng kể sau 3 tháng tập đều đặn các bài tập cơ sàn chậu. Trong khi ở nhóm thứ hai thì hiệu quả cải thiện thấp hơn.

Trong 3 tháng tiếp theo, tất cả người tham gia được hướng dẫn tập cơ sàn chậu tại nhà. Sau tổng cộng 6 tháng, 40% những người tham gia (cả hai nhóm) đã lấy lại chức năng cương dương bình thường.

Một đánh giá nghiên cứu khác vào năm 2019 cũng kết luận rằng các bài tập cơ sàn chậu có hiệu quả điều trị cả chứng rối loạn cương dương và xuất tinh sớm.

Ban đầu, khi chưa quen thì bạn có thể tập bài tập Kegel khi nằm để dễ dàng hơn và khi quen rồi thì có thể tập khi ngồi hoặc đứng.

Tập thể dục

Các bài tập cường độ vừa đến mạnh, ví dụ như chạy bộ và bơi lội không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể làm tăng lưu thông máu và cải thiện chứng rối loạn cương dương.

Một bản đánh giá từ 10 nghiên cứu khác nhau nhằm xem xét ảnh hưởng của thói quen tập thể dục đối với chứng rối loạn cương dương đã đưa ra kết luận rằng 160 phút tập thể dục hàng tuần trong vòng 6 tháng có thể làm giảm tình trạng rối loạn cương dương.

Trong một nghiên cứu khác, sau khi kiểm tra lợi ích của việc vận động thể lực và nồng độ testosterone ở 87 nam giới bị rối loạn cương dương, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ testosterone tỉ lệ nghịch với lượng mỡ trong cơ thể, nhất là mỡ bụng và tập thể dục có thể làm tăng mức testosterone.

Do đó, hãy xây dựng cho mình thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh tim mạch hoặc một vấn đề sức khỏe cần hạn chế vận động mạnh thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.

Yoga

Yoga là một phương pháp hữu hiệu để thư giãn tâm trí và cơ thể. Vì căng thẳng và lo âu có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng rối loạn cương dương nên tập yoga có thể là một cách hiệu quả để giảm bớt các triệu chứng.

Trên thực tế, một nghiên cứu trên 65 nam giới trong độ tuổi từ 24 đến 60 đã cho thấy rằng chức năng tình dục tăng lên đáng kể sau 12 tuần tập yoga đều đặn.

Chế độ ăn khi bị rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương thường liên quan đến các vấn đề về lưu thông máu. Do đó, duy trì tình trạng mạch máu khỏe mạnh sẽ giúp ngăn ngừa và điều trị vấn đề này. Và để được như vậy thì bạn sẽ cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, rau củ và trái cây; hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, sữa nguyên kem, đường và đồ ngọt.

Ngoài ra, nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho chức năng cương dương như chocolate, hàu, cà chua, dưa hấu,…

>>> Những loại thực phẩm tốt cho người bị rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương và tiểu đường

Rối loạn cương dương và bệnh tiểu đường có thể xảy ra cùng nhau. Trên thực tế, nguy cơ mắc rối loạn cương dương là khoảng 50% ở những nam giới bị bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân là do bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến quá trình xử lý glucose trong cơ thể. Khi không được lưu trữ một cách bình thường, lượng glucose dư thừa sẽ tích tụ trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu cao. Có hai loại tiểu đường chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2.

Lượng đường trong máu cao sẽ gây tổn thương các mạch máu và dây thần kinh, bao gồm cả các mạch máu và dây thần kinh nằm xung quanh dương vật, dẫn đến khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.

Nếu bạn bị tiểu đường thì cần duy trì các biện pháp điều trị nhằm kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn ngừa các tổn hại có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

>>> Mối liên hệ giữa rối loạn cương dương và bệnh tiểu đường tuýp 2

Mức độ phổ biến của rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là một vấn đề rất phổ biến. Tỷ lệ mắc rối loạn cương dương tăng theo tuổi tác. Uớc tính rằng cứ sau 10 năm thì tỷ lệ mắc phải vấn đề rối loạn cương dương mức độ nhẹ đến vừa lại tăng 10%, ví dụ tỷ lệ mắc vấn đề này ở nam giới trong độ tuổi 60 là 60%. Tuy nhiên, rối loạn cương dương cũng có thể xảy ra ở cả những nam giới trẻ tuổi.

Một nghiên cứu cho thấy cứ 4 nam giới tìm đến các phương pháp điều trị rối loạn cương dương lần đầu tiên thì lại có một người dưới 40 tuổi. Đa số những người này đều có thói quen hút thuốc, nghiện rượu và sử dụng chất kích thích. Điều này cho thấy rằng lối sống là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với nguy cơ rối loạn cương dương sớm ở nam giới trẻ tuổi.

Mặt khác, mặc dù nguy cơ rối loạn cương dương tăng theo tuổi tác nhưng không phải ai có tuổi cũng mắc phải và đây là vấn đề hoàn toàn có thể tránh được. Nói chung, cơ thể càng khỏe mạnh thì chức năng tình dục càng cao và nguy cơ rối loạn cương dương càng thấp.

Phòng ngừa

Có một số cách mà nam giới có thể thực hiện để giảm nguy cơ rối loạn cương dương. Đa phần trong số này đều có liên quan đến lối sống lành mạnh. Điều đó không chỉ giúp ngăn ngừa rối loạn cương dương mà còn cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.

Một số lời khuyên để ngăn ngừa rối loạn cương dương:

  • Kiểm soát các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe đang mắc như bệnh tim mạch và tiểu đường.
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu thừa cân, béo phì
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh
  • Hạn chế và kiểm soát căng thẳng
  • Đi khám bác sĩ tâm lý nếu có dấu hiệu lo âu kéo dài hay trầm cảm
  • Bỏ thuốc lá
  • Uống rượu vừa phải
  • Không sử dụng chất kích thích

Ngoài ra, bạn cũng đi khám định kỳ. Bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số quan trọng, chẳng hạn như huyết áp và nồng độ cholesterol. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị các vấn đề có khả năng dẫn đến rối loạn cương dương.

>>> Các cách ngăn ngừa rối loạn cương dương

Triển vọng điều trị

Rối loạn cương dương là một vấn đề rất phổ biến nhưng có nhiều loại thuốc và phương pháp khác nhau để cải thiện vấn đề này. Một số thiết bị, chẳng hạn như máy hút chân không dương vật sẽ giúp bạn tạm thời kiểm soát các triệu chứng để hoạt động tình dục một cách bình thường.

Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có mức độ nghiêm trọng của vấn đề và nguyên nhân có phải do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ra hay không.

Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của rối loạn cương dương thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Chỉ khi đi khám thì mới có thể xác định được nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Rối Loạn Cương Dương

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây