1

Mỗi giai đoạn HIV ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Khi không được điều trị, HIV tiến triển qua 3 giai đoạn là HIV cấp tính, HIV mãn tính và AIDS.
Mỗi giai đoạn HIV ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? Mỗi giai đoạn HIV ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

HIV ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

Sau khi vào cơ thể, HIV tấn công một loại tế bào của hệ miễn dịch, đó là tế bào CD4 hay còn được gọi là tế bào T, “tế bào trợ giúp”. Khi HIV phá hủy các tế bào này, hệ miễn dịch sẽ suy yếu và cơ thể sẽ khó chống lại các bệnh nhiễm trùng khác.

Khi HIV không được điều trị thì ngay cả những bệnh nhiễm trùng nhẹ mà người thường có thể dễ dàng chống lại như cảm lạnh cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể đã không còn khả năng tiêu diệt mầm bệnh.

HIV không chỉ tấn công tế bào CD4 mà còn sử dụng các tế bào này như một nhà máy để tạo ra nhiều bản sao virus hơn. Điều này cuối cùng sẽ làm cho các tế bào CD4 phình lên và vỡ ra, giải phóng thêm nhiều virus vào trong máu.

Khi HIV đã phá hủy quá nhiều tế bào CD4 và khiến cho số lượng tế bào này giảm xuống dưới mức 200 tế bào/ml máu thì lúc này thì lúc này bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS.

Tuy nhiên, những tiến bộ trong phương pháp điều trị HIV hiện nay đã giúp những người nhiễm HIV có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và không bao giờ phải bước sang giai đoạn AIDS.

HIV lây truyền như thế nào?

HIV lây truyền qua sự tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, gồm có:

  • Máu
  • Tinh dịch
  • Dịch tiết âm đạo
  • Dịch hậu môn
  • Sữa mẹ

Nguy cơ lây truyền của mỗi loại chất dịch này là khác nhau.

Quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su và dùng chung bơm kim tiêm là những con đường lây truyền HIV phổ biến. Tuy nhiên, nếu một người nhiễm HIV có thể ức chế virus thành công và đạt được tải lượng virus không thể phát hiện bằng cách thuốc kháng virus (thuốc ARV) thì sẽ không còn lây truyền HIV sang người khác khi quan hệ tình dục nữa.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tải lượng virus không thể phát hiện được xác định là dưới 200 bản sao HIV trong mỗi ml máu.

Các giai đoạn của HIV

Khi không được điều trị, HIV tiến triển qua 3 giai đoạn là HIV cấp tính, HIV mãn tính và AIDS.

Giai đoạn đầu: HIV cấp tính

Giai đoạn cấp tính thường bắt đầu sau khoảng 2 đến 4 tuần kể từ khi bị nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, người bệnh thường bắt đầu gặp các triệu chứng giống như bị cúm. Số lượng và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ở mỗi người là khác nhau nhưng thường không kéo dài lâu, chỉ khoảng từ vài ngày đến 4 tuần. Cũng có một số người không biểu hiẹn bất kỳ triệu chứng nào.

Một số dấu hiệu, triệu chứng thường gặp trong giai đoạn HIV cấp tính gồm có:

  • Thân nhiệt tăng (sốt)
  • Nổi mẩn đỏ
  • Đau rát họng
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Đau nhức xương khớp
  • Đau mỏi cơ

Những triệu chứng này xảy ra do cơ thể đang phản ứng với HIV. Các tế bào bị nhiễm virus đang lưu thông khắp cơ thể theo dòng máu. Hệ miễn dịch cố gắng tấn công virus bằng cách tạo ra kháng thể kháng HIV. Quá trình sản sinh kháng thể này được gọi là chuyển đảo huyết thanh. Thời gian diễn ra giai đoạn chuyển đảo huyết thanh ở mỗi người là khác nhau nhưng có thể phải mất đến vài tháng.

Chỉ khi đã sản sinh đủ kháng thể thì xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV mới cho kết quả dương tính. Do đó, nếu làm xét nghiệm ngay ở giai đoạn đầu mới bị lây nhiễm thì thường sẽ cho kết quả âm tính giả. Nếu nhận được kết quả âm tính thì sẽ cần phải xét nghiệm lại sau 2 – 3 tháng để xác nhận kết quả (tìm hiểu thêm về giai đoạn cửa sổ của HIV). Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về thời gian cần xét nghiệm lại.

Giai đoạn 2: Giai đoạn mãn tính

Khi một người đã trải qua giai đoạn cấp tính và quá trình chuyển đảo huyết thanh thì các triệu chứng gặp phải trước đó sẽ biến mất và người bệnh cảm thấy khỏe trở lại. Lúc này, bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2 hay giai đoạn mãn tính. Các triệu chứng của giai đoạn cấp tính biến mất và người bệnh thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Tuy nhiên, HIV vẫn đang hoạt động trong cơ thể, xâm chiếm các tế bào mới và tạo ra thêm nhiều bản sao virus. Dù không có triệu chứng nhưng HIV vẫn có thể lây truyền trong giai đoạn này. Nếu không được điều trị thì theo thời gian, HIV sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ miễn dịch.

Giai đoạn cuối: AIDS

Đến giai đoạn thứ ba hay giai đoạn cuối của HIV, hệ miễn dịch của người bệnh đã bị suy yếu nghiêm trọng. Giai đoạn này còn được gọi là AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Tại thời điểm này, người bệnh sẽ dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng, được gọi chung là “bệnh nhiễm trùng cơ hội”. Đây thường là các bệnh mà hệ miễn dịch ở người khỏe mạnh có thể dễ dàng chống lại nhưng sẽ gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân AIDS.

Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn cuối của HIV:

  • Sụt cân nhanh chóng
  • Sốt tái đi tái lại
  • Đổ mồ hôi nhiều về đêm
  • Mệt mỏi, kiệt sức dù không vận động nặng
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách, bẹn hoặc cổ
  • Tiêu chảy kéo dài quá một tuần
  • Loét ở miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục
  • Viêm phổi
  • Nổi các đốm màu đỏ, nâu, hồng hoặc tía trên hoặc dưới da, bên trong miệng, mũi hoặc mí mắt
  • Đầu óc lú lẫn
  • Luôn trong trạng thái lo âu, bồn chồn và các vấn đề về thần kinh khác

Không phải lúc nào HIV cũng tiến triển thành AIDS. Nếu không được điều trị, có thể phải sau nhiều năm thì HIV mới làm suy yếu hệ miễn dịch của một người đến mức bị rối loạn chức năng miễn dịch và mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nếu điều trị tốt thì có thể sẽ không bao giờ bị AIDS.

Triệu chứng nhiễm HIV ở từng giai đoạn

Ngay cả khi không có triệu chứng, HIV vẫn tồn tại trong cơ thể và lây truyền sang người khác khi tiếp xúc. Điều trị sớm và tuân thủ đúng phác đồ sẽ có thể ức chế virus, giảm tải lượng xuống mức không thể phát hiện và ngăn chặn bệnh tiến triển sang giai đoạn AIDS. Điều trị đúng cách còn giúp phục hồi lại hệ miễn dịch bị tổn hại.

HIV cấp tính ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Khi một người bị nhiễm HIV, giai đoạn cấp tính sẽ diễn ra sau 2 – 4 tuần.

Trong thời gian này, HIV chưa được kiểm soát và đang nhân lên nhanh chóng trong cơ thể.

Giai đoạn đầu của HIV thường có các triệu chứng giống như bệnh cúm do số lượng các bản sao của HIV tăng lên và virus lan rộng trong cơ thể. Trong thời gian này, số lượng tế bào CD4 bắt đầu giảm nhanh chóng. Sau đó, hệ miễn dịch hoạt động, kiểm soát HIV và làm cho số lượng tế bào CD4 tăng trở lại. Tuy nhiên, số lượng tế bào này vẫn không thể phục hồi về mức trước khi nhiễm HIV.

Do số lượng virus tăng nhanh trong cơ thể nên giai đoạn cấp tính là khoảng thời gian mà HIV dễ lây truyền sang người khác nhất. Giai đoạn cấp tính thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

HIV mãn tính ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Giai đoạn HIV mãn tính hay còn được gọi là giai đoạn tiềm ẩn, giai đoạn không triệu chứng. Trong giai đoạn này, người bệnh thường sẽ không có nhiều triệu chứng như ở giai đoạn cấp tính hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Nguyên nhân là do lúc này, virus còn không nhân lên nhanh chóng trong cơ thể nữa.

Tuy nhiên, dù không có triệu chứng thì một người vẫn có thể lây truyền HIV nếu không được điều trị và có tải lượng virus ở mức có thể phát hiện được. Nếu không điều trị, giai đoạn HIV mãn tính thường kéo dài nhiều năm trước khi chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng còn tùy từng trường hợp. Có người bị AIDS chỉ sau vài tháng nhưng cũng có người phải sau đến vài chục năm kể từ khi nhiễm HIV thì mới chuyển sang giai đoạn AIDS.

Những tiến bộ trong điều trị HIV bằng thuốc ARV hiện nay đã cải thiện đáng kể triển vọng của những người nhiễm HIV. Khi điều trị kịp thời và đúng cách, nhiều người nhiễm HIV có thể ức chế virus thành công và sống lâu, sống khỏe mạnh không khác gì người bình thường.

Tuổi thọ của người nhiễm HIV

AIDS ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

Số lượng tế bào CD4 ở người trưởng thành khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 500 đến 1.600 tế bào/mm3 máu (tế bào trên mỗi milimet khối máu).

Một người nhiễm HIV sẽ được xác định là bị AIDS khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 máu.

Một dấu hiệu khác để xác định HIV đã tiến triển thành AIDS là người đó bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc các bệnh liên quan đến AIDS khác như bệnh lao, nhiễm ký sinh trùng toxoplasma và viêm phổi.

Hệ miễn dịch quá suy yếu ở những người bị AIDS còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư hạch và ung thư cổ tử cung.

Tuổi thọ của những người bị AIDS thay đổi tùy thuộc vào việc điều trị và một số yếu tố khác như tuổi tác và hành vi, lối sống hàng ngày,…

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tiến triển của HIV

Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự tiến triển của HIV là việc tuân thủ điều trị. Bắt đầu điều trị sớm và dùng thuốc kháng virus đúng theo chỉ định của bác sĩ giúp nhiều người nhiễm HIV đạt được tải lượng virus ở mức không thể phát hiện, sống khỏe mạnh và ngăn chặn bệnh chuyển sang giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, còn có nhiều yếu tố khác cũng tác động đến sự tiến triển của HIV. Do đó mà tốc độ tiến triển của bệnh qua các giai đoạn ở mỗi người là không giống nhau. Có người nhanh hơn, có người chậm hơn.

Các yếu tố này gồm có:

  • Khả năng ức chế virus: Có điều trị đều đặn bằng thuốc ARV và ức chế virus thành công hay không là yếu tố quan trọng nhất.
  • Độ tuổi khi bắt đầu có các triệu chứng: Tuổi càng cao thì sự tiến triển của HIV sẽ càng nhanh.
  • Tình trạng sức khỏe trước khi điều trị: Nếu còn bị mắc các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh lao, viêm gan siêu vi C hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thì những bệnh này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tổng thể và khiến cho HIV làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh hơn.
  • Thời điểm chẩn đoán: Một yếu tố quan trọng khác là thời gian mà một người được chẩn đoán sau khi phơi nhiễm với HIV. Càng phát hiện và điều trị muộn thì thời gian mà bệnh không được kiểm soát sẽ càng dài, tốc độ tiến triển càng nhanh.
  • Lối sống: Lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn uống không đủ chất, ngủ không đủ giấc và thường xuyên bị căng thẳng sẽ tạo điều kiện cho HIV tàn phá hệ miễn dịch nhanh hơn.
  • Yếu tố di truyền: Một số người vốn có hệ miễn dịch yếu hơn bình thường do gen di truyền và khiến cho HIV tiến triển nhanh.

Mặc khác, các yếu tố có thể trì hoãn hoặc làm chậm sự tiến triển của HIV gồm có:

  • Phát hiện bệnh và điều trị từ sớm
  • Dùng thuốc kháng virus đều đặn và ức chế virus thành công
  • Đi tái khám định kỳ
  • Ngừng sử dụng các chất như ethanol, methamphetamine hoặc cocaine
  • Duy trì lối sống lành mạnh
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách đeo bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khác
  • Tuân thủ điều trị, duy trì một lối sống lành mạnh và đi khám định kỳ là điều cần thiết để người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh và lâu dài.

HIV được điều trị bằng cách nào?

Phương pháp điều trị HIV hiện nay là dùng thuốc kháng virus hay thuốc ARV. Không có phác đồ điều trị cụ thể mà tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê từ 3 đến 4 loại thuốc ARV. Phương pháp điều trị bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc ARV cùng lúc được gọi là liệu pháp kháng virus. Cơ quan FDA hiện đã phê chuẩn gần 50 loại thuốc kháng virus khác nhau để điều trị HIV.

Phương pháp này có tác dụng ngăn HIV tự sao chép và nhân lên trong cơ thể. Điều này giúp duy trì chức năng miễn dịch và đồng thời làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố sau:

  • Bệnh sử
  • Tải lượng virus trong máu
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc
  • Giá thành
  • Tiền sử phản ứng dị ứng của bệnh nhân

Có 7 nhóm thuốc kháng virus để điều trị HIV và một phác đồ điển hình là sự kết hợp của các loại thuốc từ các nhóm khác nhau. Ban đầu, bác sĩ thường kê 3 loại thuốc từ ít nhất 2 nhóm. Dưới đây là 7 nhóm thuốc được sử dụng hiện nay để điều trị HIV, sắp xếp theo mức độ phổ biến từ cao đến thấp:

  • Thuốc ức chế men phiên mã ngược nucleoside/nucleotide (NRTI)
  • Thuốc ức chế integrase chuyển chuỗi (INSTI)
  • Thuốc ức chế men phiên mã ngược không phải nucleoside/ nucleotide (NNRTI)
  • Thuốc đối kháng CCR5
  • Thuốc ức chế hợp nhất
  • Thuốc ức chế sau gắn kết - đây là một nhóm thuốc mới chưa được sử dụng nhiều

Biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV

Trong giai đoạn đầu, HIV không biểu hiện nhiều triệu chứng ra bên ngoài. Vì lý do này nên nhiều người không biết mình đã nhiễm virus và tiếp tục lây sang người khác. Do đó, cần phải hiểu rõ những con đường lây truyền HIV và các biện pháp phòng ngừa.

HIV có thể lây truyền qua:

  • Quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo miệng, đường miệng và đường hậu môn
  • Dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm, kim xỏ khuyên và các vật dụng đâm qua da khác
  • Tiếp xúc với máu hay vật dụng có dính máu của người bệnh
  • Truyền máu hay ghép tạng
  • Lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở và cho con bú

HIV không lây truyền qua:

  • Hít thở chung bầu không khí với người nhiễm HIV
  • Nước bọt hay giọt bắn
  • Muỗi đốt hoặc côn trùng khác cắn
  • Ôm, nắm tay, hôn hoặc chạm vào người nhiễm HIV
  • Chạm vào những bề mặt mà người nhiễm HIV đã sử dụng

Dưới đây là một số biện pháp để ngăn ngừa lây nhiễm HIV:

  • Không quan hệ tình dục với nhiều người
  • Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo. Khi quan hệ tình dục miệng - âm đạo hay miệng - hậu môn thì dùng màng chắn miệng.
  • Không dùng chung bơm kim tiêm
  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ như găng tay khi chạm vào máu hay vật dụng có dính máu của người khác

Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần mỗi năm nếu như thường quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su, dùng chung kim tiêm với người khác hoặc sống chung với người bị nhiễm HIV.

Nếu một người bị phơi nhiễm với HIV thì cần đến ngay cơ sở y tế để được kê thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Thuốc này làm giảm nguy cơ nhiễm HIV sau khi tiếp xúc nhưng chỉ có tác dụng khi được dùng trong vòng 72 tiếng kể từ thời điểm phơi nhiễm.

Những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao nên cân nhắc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và làm xét nghiệm HIV thường xuyên. PrEP là phương pháp uống thuốc kháng virus hàng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm khi tiếp xúc với HIV và được khuyến nghị cho tất cả những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.

Có thể phải sau nhiều năm kể từ khi nhiễm HIV thì các triệu chứng mới xuất hiện. Đó là lý do tại sao việc đi xét nghiệm thường xuyên lại rất quan trọng.

Tóm tắt bài viết

Những tiến bộ trong phương pháp điều trị HIV giúp cho nhiều người “có H” sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cần đi xét nghiệm thường xuyên để theo dõi sức khỏe và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch chống lại virus.

Khi bị nhiễm HIV, việc điều trị sớm và đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền virus sang người khác và đồng thời ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Khi không được điều trị, HIV sẽ tiến triển thành AIDS.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
HIV ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?
HIV ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?

Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe nói về HIV – căn bệnh thế kỷ nhưng cụ thể thì virus này gây ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV
Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV

Xét nghiệm ELISA được khuyến nghị cho những trường hợp đã phơi nhiễm với HIV hoặc có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.

Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV
Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV

HIV lây truyền qua các chất dịch cơ thể có chứa virus, gồm có máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn và sữa mẹ.

HIV ảnh hưởng đến thận như thế nào?
HIV ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Bệnh thận là một biến chứng của HIV và thường có thể kiểm soát được. Nguyên nhân có thể là do HIV trực tiếp gây ra hoặc do các loại thuốc kháng virus điều trị HIV.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây