1

Mãn Kinh

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là thời kỳ đánh dấu sự chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, được xác định khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp và không thể mang thai một cách tự nhiên. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu vào độ tuổi từ 45 đến 55, nhưng có thể diễn ra sớm hơn hoặc muộn hơn.

Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên và có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống chẳng hạn như bốc hỏa và tăng cân. Đối với hầu hết phụ nữ, việc điều trị là không cần thiết vào thời kỳ mãn kinh.

Tại sao lại có thời kỳ mãn kinh?

Mãn kinh là một quá trình tự nhiên xảy ra khi buồng trứng lão hóa và giảm khả năng sản xuất các hormone sinh sản như:

  • estrogen
  • progesterone
  • testosterone
  • hormone kích thích nang trứng (FSH)
  • hormone luteinizing (LH)

Khi phụ nữ bước sang những năm cuối độ tuổi 30, buồng trứng bắt đầu tạo ra ít estrogen và progesterone hơn – đây là hai hormone có vai trò điều hòa kinh nguyệt. Lúc này, khả năng sinh sản cũng suy giảm. Sang độ tuổi 40, chu kỳ kinh nguyệt sẽ có sự thay đổi, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn, ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn. Đây được gọi là thời kỳ tiền mãn kinh, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và thậm chí có người lên đến 10 năm. Cuối cùng, khi sang tuổi 50 thì buồng trứng ngừng sản xuất trứng và phụ nữ không còn kinh nguyệt nữa.

Trong một số trường hợp, mãn kinh xảy đến sớm do những nguyên nhân khác không phải quá trình lão hóa tự nhiên như:

  • Phẫu thuật cắt buồng trứng: Khi cắt bỏ cả hai bên buồng trứng hoặc loại bỏ cả tử cung và buồng trứng do những nguyên nhân như ung thư thì phụ nữ sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh ngay lập tức, đây được gọi là mãn kinh do phẫu thuật. Sau phẫu thuật, chu kỳ kinh nguyệt sẽ không còn và bắt đầu xuất hiện hiện tượng bốc hỏa và các dấu hiệu, triệu chứng khác của mãn kinh. Các triệu chứng này có thể khá nghiêm trọng vì những thay đổi trong nồng độ nội tiết tố xảy đến đột ngột thay vì thay đổi dần dần trong vài năm như bình thường. Nếu như chỉ phẫu thuật cắt tử cung và giữ lại buồng trứng thì mặc dù không còn có kinh nguyệt nữa nhưng buồng trứng vẫn tiếp tục tạo ra trứng và sản xuất estrogen cùng với progesterone.
  • Các phương pháp điều trị ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng như liệu pháp hormone, hóa trị hoặc xạ trị trong những trường hợp có khối u dương tính với thụ thể estrogen (ER+). Những phương pháp điều trị ung thư này có thể gây ra mãn kinh sớm với các triệu chứng như bốc hỏa trong hoặc ngay sau quá trình điều trị. Tuy nhiên, hiện tượng dừng kinh nguyệt (và khả năng sinh sản) không phải lúc nào cũng là vĩnh viễn sau khi hóa trị, vì vậy nên có thể sẽ vẫn cần đến các biện pháp kiểm soát sinh sản.
  • Chấn thương vùng chậu làm tổn thương nghiêm trọng hoặc phá hủy buồng trứng
  • Suy buồng trứng nguyên phát: Khoảng 1% phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi (mãn kinh sớm). Nguyên nhân có thể là do suy buồng trứng nguyên phát – tình trạng mà buồng trứng không sản xuất đủ nồng độ hormone sinh sản như bình thường. Điều này có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc bệnh tự miễn. Những phụ nữ được chẩn đoán mắc vấn đề này sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone ít nhất là cho đến tuổi mãn kinh tự nhiên để bảo vệ não, tim mạch và xương.

Mãn kinh bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu?

Ở hầu hết phụ nữ, các triệu chứng mãn kinh thường bắt đầu xuất hiện vào khoảng 4 năm trước chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng và tiếp tục diễn ra khoảng 4 năm sau đó.

Một số ít phụ nữ thậm chí còn phải trải qua các triệu chứng mãn kinh từ 10 năm trước khi thời kỳ mãn kinh chính thức diễn ra và cứ 10 phụ nữ thì lại có 1 người mà các triệu chứng mãn kinh tiếp diễn trong khoảng thời gian lên đến 12 năm sau chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.

Độ tuổi diễn ra thời kỳ mãn kinh thường là ngoài 50 tuổi, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy từng người.

Có nhiều yếu tố quyết định đến thời điểm mà bạn sẽ bắt đầu giai đoạn mãn kinh, bao gồm di truyền và và tình trạng sức khỏe của buồng trứng. Tiền mãn kinh là thời kỳ diễn ra trước khi mãn kinh. Đây là giai đoạn mà nội tiết tố bắt đầu thay đổi để chuẩn bị bước sang thời kỳ mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài trong khoảng từ vài tháng đến vài năm. Nhiều phụ nữ bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh từ những năm giữa độ tuổi 40 và cũng có người bỏ qua thời kỳ tiền mãn kinh và bước vào giai đoạn mãn kinh luôn.

Khoảng 1% phụ nữ bắt đầu mãn kinh trước tuổi 40, được gọi là mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng nguyên phát. Khoảng 5% phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh trong độ tuổi từ 40 đến 45.

Tiền mãn kinh, mãn kinh và hậu mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu không đều, có thể đến muộn hơn trước đây hoặc bỏ qua một đến một vài kỳ kinh. Lượng máu kinh cũng có sự thay đổi, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.

Thời kỳ mãn kinh được xác định khi một phụ nữ không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tục. Hậu mãn kinh là những năm sau thời kỳ mãn kinh.

Các triệu chứng của mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh của mỗi phụ nữ là khác nhau. Những người bước vào thời kỳ mãn kinh đột ngột hoặc mãn kinh diễn ra trong thời gian ngắn hơn bình thường sẽ có triệu chứng nặng hơn. Các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của buồng trứng như ung thư hay phẫu thuật cắt tử cung cũng như là một số thói quen xấu như hút thuốc đều có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng và thời gian diễn ra các triệu chứng.

Các dấu hiệu sớm báo hiệu mãn kinh (tiền mãn kinh) gồm có:

  • Chu kỳ kinh nguyệt thưa hơn bình thường
  • Ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn trước
  • Các triệu chứng do rối loạn vận mạch như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm và đỏ bừng mặt

Ước tính 75% phụ nữ gặp hiện tượng bốc hỏa khi mãn kinh.

Các triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh:

  • Mất ngủ
  • Khô âm đạo
  • Tăng cân
  • Tâm trạng bồn chồn, lo âu, buồn bã hay cáu gắt vô cớ
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Khó tập trung
  • Vấn đề về trí nhớ
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khô da, khô miệng và khô mắt
  • Đi tiểu nhiều
  • Vú đau hoặc nhạy cảm
  • Đau nhức đầu
  • Nhịp tim nhanh
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đau hoặc cứng khớp
  • Ngực nhỏ đi so với trước
  • Rụng tóc và tóc thưa
  • Mọc lông ở các vị trí không mong muốn trên cơ thể, chẳng hạn như mặt, cổ, ngực và lưng

Dấu hiệu phổ biến nhất là chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường trước khi chấm dứt hẳn. Mức độ và số lượng các triệu chứng, bao gồm cả những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ là khác nhau.

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, lỡ một hoặc một vài kỳ kinh nguyệt là điều phổ biến. Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt cũng thường ngắn hơn, có nghĩa là các lần có kinh sát nhau hơn. Mặc dù kinh nguyệt không đều trong thời gian này nhưng phụ nữ tiền mãn kinh vẫn có thể thụ thai. Nếu nhận thấy mình bị lỡ một kỳ kinh nguyệt nhưng không chắc chắn có phải bắt đầu tiền mãn kinh hay không thì nên thử thai.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Mãn kinh có thể dẫn đến các vấn đề và bệnh lý như:

Chẩn đoán mãn kinh bằng cách nào?

Nếu như gặp phải các triệu chứng mãn kinh kể trên và cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều hoặc các triệu chứng xuất hiện khi chưa đến 45 tuổi thì nên đi khám bác sĩ.

Xét nghiệm chẩn đoán PicoAMH Elisa - một phương pháp xét nghiệm máu mới được đưa vào ứng dụng gần đây – sẽ giúp xác định một phụ nữ có đang bước vào thời kỳ mãn kinh hay gần đến tuổi mãn kinh hay không

Phương pháp xét nghiệm mới này được thực hiện cho những phụ nữ có triệu chứng tiền mãn kinh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ cần làm xét nghiệm máu để đo nồng độ một số hormone trong máu, thường là FSH (hormone kích thích tạo nang trứng) và một dạng estrogen gọi là estradiol.

Khi nồng độ FSH trong máu tăng cao đáng kể từ 30 mIU/mL trở lên và không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp thì bạn sẽ được xác nhận là mãn kinh. Ngoài ra còn có phương pháp xét nghiệm nước bọt và xét nghiệm nước tiểu nhưng kết quả không chính xác bằng xét nghiệm máu.

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ FSH và estrogen thay đổi hàng ngày nên bác sĩ sẽ cần chẩn đoán mãn kinh dựa trên các cả triệu chứng khác, bệnh sử và thông tin về chu kỳ kinh nguyệt.

Tùy thuộc vào các triệu chứng và bệnh sử của từng trường hợp mà sẽ cần làm thêm xét nghiệm máu bổ sung để loại trừ các vấn đề tiềm ẩn khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như mãn kinh.

Các xét nghiệm máu bổ sung thường được sử dụng để xác nhận mãn kinh gồm có:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Xét nghiệm lipid cơ bản
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Xét nghiệm testosterone, progesterone, prolactin, estradiol và chorionic gonadotropin (hCG)

Phương pháp điều trị

Mãn kinh không phải là một vấn đề cần phải điều trị. Thay vào đó, các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng gây khó chịu và ngăn ngừa hoặc kiểm soát các vấn đề mãn tính có thể xảy ra do mãn kinh. Các phương pháp điều trị dành cho phụ nữ mãn kinh gồm có:

  • Liệu pháp estrogen: Liệu pháp estrogen là giải pháp hiệu quả nhất để giảm các vấn đề khó chịu của thời kỳ mãn kinh như cơn bốc hỏa, đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi về đêm, teo âm đạo, loãng xương,... Estrogen còn giúp ngăn ngừa tiêu xương. Bạn sẽ cần đến phương pháp điều trị này nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc triệu chứng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Liệu pháp hormone thường cho hiệu quả cao ở phụ nữ dưới 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu, Tùy thuộc vào bệnh sử cá nhân và gia đình mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng estrogen phù hợp. Ở những phụ nữ vẫn còn tử cung thì sẽ cần dùng thêm progestin bên cạnh estrogen vì việc sử dụng liệu pháp estrogen trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và ung thư vú.
  • Estrogen tại chỗ: Để giảm hiện tượng khô âm đạo thì ngoài estrogen đường uống, phụ nữ có thể dùng estrogen tại chỗ, có nghĩa là những sản phẩm estrogen đưa trực tiếp vào âm đạo như kem bôi, viên đặt, miếng dán, thuốc xịt hoặc vòng đặt âm đạo. Các sản phẩm này liên tục giải phóng một lượng nhỏ estrogen trực tiếp vào mô âm đạo, từ đó giảm thiểu tình trạng khô hạn, đau rát khi quan hệ và một số triệu chứng về đường tiết niệu.
  • Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Một nhóm thuốc chống trầm cảm gọi là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa do mãn kinh. Thuốc chống trầm cảm liều thấp phù hợp cho những phụ nữ không thể sử dụng liệu pháp estrogen vì lý do sức khỏe hoặc những phụ nữ gặp vấn đề rối loạn cảm xúc và tâm trạng trong thời kỳ mãn kinh.
  • Gabapentin (Neurontin, Gralise,…): Gabapentin là loại thuốc được phê chuẩn để điều trị chứng co giật nhưng đã được chứng minh là còn có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa mãn kinh. Thuốc này có hiệu quả cho những phụ nữ không thể điều trị bằng liệu pháp estrogen và ở những người thường bị bốc hỏa vào ban đêm.
  • Clonidine (Catapres, Kapvay,…): Clonidine, dạng viên hoặc dạng miếng dán, thường được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp nhưng cũng có thể giảm bớt hiện tượng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh.
  • Thuốc ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương như Denosumab, teriparatide, raloxifene hoặc calcitonin: Tùy thuộc vào nhu cầu của từng người mà bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương để giảm nguy cơ tiêu xương và gãy xương. Ngoài ra, có thể cần dùng thêm vitamin D để giúp xương chắc khỏe.

Bên cạnh các loại thuốc kể trên thì còn có một số loại số loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh như:

  • Thuốc bôi minoxidil 5%: sử dụng một lần mỗi ngày để khắc phục tình trạng tóc mỏng và rụng tóc.
  • Dầu gội trị gàu: thường là ketoconazole 2% và kẽm pyrithione (zinc pyrithione) 1%: được sử dụng cho người bị rụng tóc.
  • Kem bôi eflornithine hydrochloride: để khắc phục tình trạng mọc lông không mong muốn.
  • Giữ ẩm và chất bôi trơn âm đạo không dùng hormon.
  • Chất bôi trơn âm đạo chứa estrogen liều thấp: có dạng kem, vòng hoặc viên đặt.
  • Ospemifene để cải thiện tình trạng khô âm đạo và đau rát khi quan hệ.
  • Kháng sinh dự phòng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
  • Thuốc ngủ để điều trị chứng mất ngủ.

Trước khi điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào thì cũng đều phải nói chuyện kỹ với bác sĩ về lợi ích và các rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh đó, cần đi tái khám đề điều trị các phương pháp điều trị hàng năm vì nhu cầu của cơ thể thay đổi theo thời gian.

Biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống

Bên cạnh dùng thuốc, phụ nữ cũng có thể giảm các triệu chứng mãn kinh từ nhẹ đến vừa bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, biện pháp điều trị tự nhiên cũng như là một số thay đổi trong lối sống.

Giữ mát cơ thể

Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đặc biệt là vào ban đêm và mặc thành nhiều lớp khi thời tiết ấm áp hoặc thời tiết thất thường để dễ cởi bớt và làm giảm các cơn bốc hỏa.

Giữ cho phòng ngủ mát mẻ và không đắp chăn quá dày khi ngủ để tránh đổ mồ hôi về đêm. Nếu bạn thường xuyên bị đổ mồ hôi vào ban đêm thì nên dùng tấm lót chống thấm để tránh mồ hôi thấm xuống ga, đệm.

Ngoài ra, nên uống nhiều nước và tránh các tác nhân có thể gây ra các cơn bốc hỏa như đồ uống nóng, caffeine, thức ăn cay, rượu, căng thẳng, đi ngoài trời nắng... và luôn mang theo một chiếc quạt cầm tay để hạ nhiệt cơ thể khi thời tiết nắng nóng.

Giảm khó chịu âm đạo

Sử dụng chất bôi trơn âm đạo gốc nước, silicone hoặc kem dưỡng ẩm cho âm đạo. Nên chọn các sản phẩm không chứa glycerin vì thành phần này có thể gây nóng rát hoặc kích ứng ở những người có mô âm đạo nhạy cảm. Việc quan hệ tình dục thường xuyên cũng là cách giúp tăng lưu lượng máu đến âm đạo và giảm tình trạng khô rát âm đạo.

Tập thể dục và kiểm soát cân nặng

Giảm từ 400 đến 600 calo tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày để kiểm soát cân nặng và kết hợp tập thể dục mức độ vừa phải trong 20 đến 30 phút mỗi ngày. Điều này có tác dụng:

  • Tăng năng lượng
  • Giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn
  • Cải thiện tâm trạng

Tăng cường cơ sàn chậu

Các bài tập cơ sàn chậu, hay bài tập Kegel, sẽ giúp cải thiện chứng tiểu không tự chủ ở thời kỳ mãn kinh.

Khắc phục vấn đề về tâm lý

Nên nói chuyện với các thành viên trong gia đình, người thân hoặc bạn bè về những lo lắng hay sự thay đổi tâm trạng của mình. Nếu như cảm thấy chán nản, buồn bã, lo âu, mất ngủ kéo dài hay có những cảm xúc tiêu cực nghiêm trọng khác thì nên đi khám bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ vượt qua.

Bổ sung thêm chất

Nên uống bổ sung canxi, vitamin D và magiê để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, cải thiện mức năng lượng cơ thể và tình trạng mất ngủ. Trước khi dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về sản phẩm phù hợp.

Thử các biện pháp thư giãn

Các liệu pháp như yoga, tập thở và ngồi thiền giúp giảm lo âu, căng thẳng, cải thiện tâm trạng, giấc ngủ và đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.

Chăm sóc da

Thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày để giảm tình trạng khô da; không tắm quá nhiều và tắm nước quá nóng để tránh làm khô da. Bên cạnh đó, cần tránh các sản phẩm chứa chất gây kích ứng da.

Cải thiện vấn đề giấc ngủ

Tránh xa caffeine – chất khó ngủ và không uống quá nhiều rượu vì cồn có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Chỉ nên tập thể dục vào ban ngày và không vận động vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu vẫn cảm thấy khó ngủ thì có thể sử dụng thuốc ngủ không kê đơn để tạm thời đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và cân nhắc các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên. Nếu bạn thường xuyên mất ngủ thì nên đi khám bác sĩ để có biện pháp khắc phục hiệu quả, an toàn.

Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia

Ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc vì các chất độc hại trong thuốc lá có thể làm cho các triệu chứng mãn kinh trở nên nghiêm trọng hơn.

Bạn cũng nên hạn chế uống rượu bia vì tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe.

Các biện pháp khắc phục khác

Bạn có thể thử các loại viên uống bổ sung và chiết xuất tự nhiên có tác dụng cải thiện triệu chứng mãn kinh như:

  • Đậu nành
  • Vitamin e
  • Isoflavone
  • Melatonin
  • Hạt lanh
  • Axit béo omega-3

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng thảo dược thiên ma (black cohosh) có tác dụng cải thiện một số triệu chứng, chẳng hạn như bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm cho phụ nữ mãn kinh.

Tóm tắt bài viết

Mãn kinh là sự chấm dứt tự nhiên chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và đánh dấu sự kết thúc khả năng sinh sản. Hầu hết phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi ngoài 50 nhưng những tổn thương vùng chậu hoặc buồng trứng có thể gây ra mãn kinh sớm. Di truyền hoặc các vấn đề về sức khỏe cũng có thể dẫn đến mãn kinh sớm.

Nhiều phụ nữ trải qua các triệu chứng mãn kinh trong vài năm trước khi mãn kinh, phổ biến nhất là thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm và đỏ bừng mặt. Các triệu chứng này có thể tiếp tục trong 4 năm hoặc lâu hơn sau khi mãn kinh.

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, bạn có thể sẽ cần đến các phương pháp điều trị, chẳng hạn như liệu pháp hormone nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hoặc vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nói chung, các triệu chứng mãn kinh đều có thể được kiểm soát hoặc giảm bớt bằng các biện pháp tự nhiên và điều chỉnh lối sống.

Tìm hiểu thêm về:

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây