1

Lupus Ban Đỏ Hệ Thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh gì?

Bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ chống lại vi trùng và vi khuẩn gây nguy hiểm để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Bệnh tự miễn là các bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn và tấn công chính cơ thể. Có nhiều loại bệnh tự miễn khác nhau, trong đó có bệnh lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus).

Lupus là thuật ngữ được sử dụng chung cho một số bệnh tự miễn có các biểu hiện và đặc điểm lâm sàng tương tự nhau nhưng lupus ban đỏ hệ thống là dạng bệnh lupus phổ biến nhất. Nhiều lupus được ngầm hiểu là lupus ban đỏ hệ thống.

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh mãn tính, gồm có các giai đoạn mà triệu chứng trở nặng xen kẽ với các giai đoạn mà tình trạng bệnh lại dịu bớt. Hầu hết những người bị lupus ban đỏ hệ thống đều vẫn có thể sống bình thường nhờ có các phương pháp điều trị.

Nhận biết các triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở mỗi người là khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Mệt mỏi rã rời
  • Đau khớp
  • Sưng khớp
  • Đau đầu
  • Nổi ban đỏ có hình cánh bướm trên má và mũi
  • Rụng tóc
  • Thiếu máu
  • Có vấn đề về đông máu
  • Ngón tay chuyển sang màu trắng nhợt hoặc xanh và có cảm giác châm chích khi lạnh, được gọi là hiện tượng Raynaud

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác tùy vào bộ phận đang bị tấn công trong cơ thể, chẳng hạn như hệ tiêu hóa, tim hoặc da.

Vì các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác nên việc chẩn đoán thường rất khó khăn. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì nên đi khám để làm các xét nghiệm và được chẩn đoán chính xác.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây lupus ban đỏ hệ thống nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố có liên quan đến căn bệnh này.

Gen di truyền

Mặc dù chưa tìm ra loại gen cụ thể có liên quan đến bệnh nhưng những người mắc lupus ban đỏ thường có ít nhất một thành viên trong gia đình cũng bị các bệnh tự miễn khác.

Môi trường

Các yếu tố từ môi trường có thể khiến bệnh khởi phát gồm có:

  • Tia cực tím
  • Một số loại thuốc
  • Virus
  • Căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần
  • Tổn thương

Giới tính và nội tiết tố

Lupus ban đỏ hệ thống xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và đang trong kỳ kinh nguyệt thường gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Từ hai phát hiện này, các chuyên gia cho rằng nội tiết tố nữ estrogen là nguyên nhân góp phần gây ra bệnh lupus ban đỏ nhưng vẫn cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa để chứng minh điều này.

Cách chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của bệnh lupus như:

  • Các vết ban đỏ hình cánh bướm nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
  • Loét niêm mạc miệng hoặc mũi
  • Các triệu chứng viêm khớp như sưng hoặc đau ở các khớp nhỏ của bàn tay, bàn chân, đầu gối và cổ tay
  • Rụng tóc
  • Các dấu hiệu liên quan đến tim hoặc phổi, ví dụ như tiếng thổi tim, nhịp tim không đều hoặc tiếng cọ màng phổi

Để kết luận chính xác, bác sĩ sẽ cần tiến hành tiếp các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Chụp X-quang lồng ngực

Phương pháp điều trị

Không có cách nào chữa trị khỏi bệnh lupus ban đỏ hệ thống mà mục tiêu của các phương pháp điều trị chỉ là làm giảm các triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị phổ biến thường là:

  • Dùng thuốc chống viêm để trị đau và cứng khớp
  • Bôi kem steroid lên các vết ban đỏ
  • Dùng corticosteroid để giảm phản ứng miễn dịch
  • Dùng thuốc chống sốt rét để trị các vấn đề về da và khớp
  • Dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm cho các trường hợp nghiêm trọng

Ngoài ra, người bệnh cũng nên hỏi bác sĩ về việc thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sống. Bổ sung và tránh một số loại thực phẩm cùng với các biện pháp giảm căng thẳng sẽ giúp giảm thiểu tần suất các triệu chứng bùng phát. Nếu dùng steroid thì bạn cần đi kiểm tra bệnh loãng xương vì việc dùng steroid trong thời gian dài sẽ làm giảm mật độ xương.

Các biến chứng

Theo thời gian, lupus ban đỏ hệ thống sẽ làm tổn hại và gây ra các biến chứng trên toàn cơ thể. Người bị bệnh này có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Hình thành cục máu đông hoặc viêm mạch
  • Viêm màng ngoài tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ
  • Suy giảm trí nhớ
  • Thay đổi hành vi
  • Co giật
  • Viêm màng phổi
  • Viêm thận
  • Suy giảm chức năng thận
  • Suy thận

Lupus ban đỏ hệ thống có những tác động đặc biệt nghiêm trọng đến cơ thể trong thai kỳ, dẫn đến các biến chứng cho cả mẹ và bé, thậm chí sẩy thai. Nếu bạn bị lupus ban đỏ và đang mang bầu thì cần nói chuyện với bác sĩ để có biện pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ biến chứng.

Triển vọng khi bị lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau. Các phương pháp điều trị đều phát huy hiệu quả cao nhất khi được bắt đầu ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện nên khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì bạn cần đi khám ngay.

Việc phải sống chung với một căn bệnh mãn tính là điều khó khăn nhưng bằng các biện pháp điều trị thích hợp và thay đổi một số thói quen, bạn sẽ vẫn có thể sống một cách khỏe mạnh, bình thường.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây