1

Khi nào cần cắt tử cung?

Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.
Khi nào cần cắt tử cung? Khi nào cần cắt tử cung?

Nội dung chính của bài viết

  • Bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung khi bạn bị: Ung thư phụ khoa, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, sa tử cung mà không thể có cách cứu vãn nào khác.
  • Đôi khi chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu dai dẳng, bệnh viêm vùng chậu hay bệnh cơ tuyến tử cung cũng là những nguyên nhân khiến bạn phải cắt bỏ tử cung. 
  • Phẫu thuật cắt tử cung sẽ chấm dứt khả năng mang thai và sinh con của phụ nữ.
  • Trong quá trình phẫu thuật cắt tử cung, bác sĩ có thể sẽ còn cắt bỏ cả buồng trứng và ống dẫn trứng. Sau khi cắt bỏ buồng trứng, phụ nữ sẽ ngay lập tức có các triệu chứng của mãn kinh.
  • Cắt tử cung là một phương pháp phẫu thuật khá an toàn. Tuy nhiên, giống như tất cả các ca phẫu thuật lớn khác, cắt tử cung vẫn có một số rủi ro.

Cắt tử cung là gì?

Tử cung, hay còn được gọi là dạ con, là cơ quan đóng vai trò quan trọng đối với chu kỳ kinh nguyệt và chức năng sinh sản của phụ nữ. Mỗi tháng niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng thụ tinh làm tổ. Nếu trứng được thụ tinh, tử cung là nơi nuôi dưỡng bào thai phát triển cho đến khi được sinh ra. Khi trứng không được thụ tinh thì lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra và tạo thành máu kinh.

Tuy nhiên, vì một vài lý do mà đôi khi phụ nữ lại cần phải cắt bỏ tử cung. Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện nhằm điều trị một số vấn đề gây đau mãn tính cũng như là một số loại ung thư và bệnh lý nhiễm trùng.

Mức độ cắt tử cung sẽ tùy thuộc vào lý do phẫu thuật. Trong hầu hết các trường hợp thì cần cắt bỏ toàn bộ tử cung. Ngoài ra có thể còn phải cắt cả buồng trứng và ống dẫn trứng. Buồng trứng là cơ quan sản xuất estrogen và các loại nội tiết tố khác ở phụ nữ. Ống dẫn trứng là bộ phận có nhiệm vụ đưa trứng từ buồng trứng đến tử cung.

Khi đã cắt bỏ tử cung, phụ nữ sẽ ngừng có kinh nguyệt và cũng không thể mang thai được nữa.

Khi nào cần cắt tử cung?

Bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung vì những lý do sau đây:

  • Ung thư phụ khoa: Khi mắc một trong các bệnh ung thư phụ khoa, chẳng hạn như ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung thì phẫu thuật cắt tử cung là giải pháp điều trị tối ưu. Tùy thuộc vào loại ung thư mắc phải và mức độ tiến triển (giai đoạn) mà sẽ còn cần thêm các phương pháp điều trị khác như xạ trị hoặc hóa trị.
  • U xơ tử cung: Phẫu thuật cắt tử cung là giải pháp duy nhất đảm bảo về lâu dài để điều trị u xơ tử cung - khối u lành tính hình thành ở tử cung, thường gây triệu chứng ra máu dai dẳng, thiếu máu, đau vùng chậu hoặc chèn ép bàng quang. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ khó chịu và kích thước khối u mà có thể chỉ cần điều trị u xơ tử cung bằng các phương pháp không phẫu thuật. Thậm chí, nhiều phụ nữ bị u xơ chỉ có triệu chứng nhẹ và không cần điều trị.
  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý mà mô niêm mạc – lớp mô bao phủ bề mặt bên trong tử cung lại phát triển ở bên ngoài tử cung, có thể ở trên buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc các cơ quan vùng chậu và ổ bụng khác. Khi các loại thuốc hoặc thủ thuật xâm lấn tối thiểu không cải thiện được vấn đề thì sẽ cần cắt tử cung cùng với buồng trứng và ống dẫn trứng.
  • Sa tử cung: Tử cung sa vào âm đạo là tình trạng xảy ra khi dây chằng và cấu trúc mô hỗ trợ tử cung bị suy yếu. Sa tử cung có thể gây ra nhiều vấn đề như tiểu không kiểm soát, đau tức vùng chậu hoặc tiểu khó. Phẫu thuật cắt tử cung là giải pháp cần thiết cho những trường hợp sa tử cung nghiêm trọng.
  • Chảy máu âm đạo bất thường: Nếu ra quá nhiều máu khi có kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc kéo dài và các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả thì sẽ cần phẫu thuật cắt tử cung để khắc phục.
  • Đau vùng chậu dai dẳng: Đôi khi, phẫu thuật là giải pháp cuối cùng cho những phụ nữ bị đau vùng chậu mãn tính mà nguyên nhân xuất phát từ tử cung. Tuy nhiên, đau vùng chậu có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và không phải nguyên nhân nào cũng có thể điều trị được bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung. Hơn nữa, việc cắt tử cung khi không cần thiết sẽ gây ra những vấn đề mới. Do đó, cần đánh giá thật cẩn thận trước khi tiến hành một ca đại phẫu có ảnh hưởng lớn như cắt tử cung.
  • Bệnh viêm vùng chậu: là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở các cơ quan sinh dục trong khoang chậu.
  • Bệnh cơ tuyến tử cung: là một tình trạng mà mô niêm mạc tử cung phát triển vào lớp cơ của thành tử cung.

Phẫu thuật cắt tử cung sẽ chấm dứt khả năng mang thai và sinh con của phụ nữ. Do đó, nếu vẫn còn kế hoạch sinh nở thì nên hỏi bác sĩ về các giải pháp thay thế cho phương pháp phẫu thuật này. Trong những trường hợp ung thư thì cắt tử cung là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, đối với các vấn đề khác như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay sa tử cung thì có thể thử các phương pháp điều trị ít xâm lấn trước.

Trong quá trình phẫu thuật cắt tử cung, bác sĩ có thể sẽ còn cắt bỏ cả buồng trứng và ống dẫn trứng. Trước phẫu thuật, người bệnh cần thảo luận kỹ với bác sĩ về việc có cần thiết phải thực hiện phương pháp phẫu thuật này hay không vì sẽ dẫn đến kết quả là mãn kinh sớm hay còn gọi là mãn kinh do phẫu thuật.

Sau khi cắt bỏ buồng trứng, phụ nữ sẽ ngay lập tức có các triệu chứng của mãn kinh dù chưa đến tuổi mãn kinh như khô âm đạo, bốc hỏa, rụng tóc, sức khỏe suy giảm,... Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng này đến chất lượng cuộc sống mà có thể cần điều trị ngắn hạn bằng liệu pháp hormone.

Lựa chọn thay thế cho phẫu thuật cắt tử cung

Theo thống kê, cắt tử cung là phương pháp phẫu thuật phổ biến thứ hai được thực hiện ở phụ nữ tại Hoa Kỳ. Đây là một quy trình phẫu thuật an toàn, ít rủi ro. Tuy nhiên, không phải khi nào phẫu thuật cắt tử cung cũng là lựa chọn tốt nhất. Đối với những người vẫn còn muốn có con thì không nên cắt tử cung, trừ khi không còn lựa chọn thay thế nào khác.

Trong số các nguyên nhân cần cắt tử cung thì vẫn có những vấn đề, bệnh lý có thể điều trị được bằng các biện pháp khác. Ví dụ, có thể sử dụng liệu pháp hormone để điều trị lạc nội mạc tử cung, điều trị u xơ tử cung bằng các phương pháp phẫu thuật khác giữ lại tử cung. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt tử cung là sự lựa chọn duy nhất, ví dụ như ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ sẽ tư vấn kĩ lưỡng về tất cả các lựa chọn khả thi và chọn ra giải pháp tốt nhất cho tình trạng của từng người.

Có những loại cắt tử cung nào?

Có một số loại cắt tử cung khác nhau dưới đây:

Cắt tử cung bán phần

Trong phẫu thuật cắt tử cung bán phần, bác sĩ chỉ cắt đi một phần của tử cung và giữ nguyên cổ tử cung.

Cắt tử cung toàn phần

Trong quá trình phẫu thuật cắt tử cung toàn phần, toàn bộ tử cung sẽ được cắt đi, bao gồm cả cổ tử cung. Bạn sẽ không còn cần phải làm xét nghiệm Pap hàng năm nếu như cổ tử cung được cắt bỏ. Tuy nhiên vẫn nên tiếp tục kiểm tra vùng chậu thường xuyên.

Cắt tử cung và buồng trứng – vòi trứng

Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ tử cung cùng với một hoặc cả hai buồng trứng và ống dẫn trứng (hay vòi trứng, vòi tử cung). Có thể sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế nếu cả hai buồng trứng đều bị cắt bỏ.

Quy trình cắt tử cung được thực hiện như thế nào?

Quy trình phẫu thuật cắt tử cung có thể được thực hiện theo nhiều cách. Tùy vào mức độ xâm lấn và phức tạp mà sẽ đến phương pháp gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Khi gây mê toàn thân, bạn sẽ chìm vào giấc ngủ và không còn nhận thức trong suốt ca mổ nên không cảm thấy đau. Gây tê tại chỗ có nghĩa là làm tê liệt phần dưới cơ thể (bên dưới eo) và bạn sẽ vẫn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Phương pháp gây tê tại chỗ đôi khi được kết hợp với thuốc an thần để giúp bạn thư giãn trong suốt quá trình. Đa phần thì phẫu thuật cắt tử cung được thực hiện dưới phương pháp gây mê toàn thân. Quy trình này thường kéo dài khoảng từ 1 – 2 tiếng.
Trước khi bắt đầu, bạn sẽ được đặt ống thông tiểu qua niệu đạo để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang. Ống thông này sẽ được giữ nguyên trong quá trình phẫu thuật và trong một thời gian ngắn sau đó. Vị trí xung quanh vết mổ ở bụng và âm đạo được sát trùng trước khi tiến hành phẫu thuật.

Cắt tử cung qua thành bụng

Với phương pháp cắt tử cung qua thành bụng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật qua một vết mổ lớn ở bụng dưới. Vết mổ có thể thẳng đứng hoặc nằm ngang:

  • Vết mổ dọc: bắt đầu ở vị trí giữa bụng, kéo từ bên dưới rốn xuống đến ngay bên trên xương mu
  • Vết mổ ngang: nằm ở khoảng 2 – 3cm bên trên vùng mu

Cắt tử cung qua đường âm đạo

Trong quá trình cắt tử cung qua đường âm đạo, bác sĩ sẽ thao tác qua một vết mổ nhỏ được tạo bên trong âm đạo. Sau đó, bằng các dụng cụ mổ chuyên dụng, bác sĩ sẽ kẹp các mạch máu ở tử cung và tách tử cung khỏi mô liên kết, buồng trứng và ống dẫn trứng. Tử cung được lấy ra ngoài qua cửa âm đạo và khâu đóng đường rạch bằng chỉ khâu tự tiêu để ngăn chảy máu bên trong khoang chậu. Vì không cần cắt rạch ở bên ngoài nên sẽ không để lại bất kỳ vết sẹo nào trên da.

Cắt tử cung nội soi hoặc bằng robot

Phẫu thuật cắt tử cung nội soi là phương pháp mà bác sĩ sử dụng ống nội soi - một dụng cụ dài có gắn đèn chiếu sáng và camera độ phân giải cao đưa vào qua các đường rạch ở bụng và tiếp cận tử cung. Cắt tử cung robot là phương pháp mà bác sĩ điều khiển các cánh tay robot thực hiện thao tác phẫu thuật. Với cả hai phương pháp này thì đều chỉ cần rạch các đường nhỏ trên bụng thay vì một đường rạch lớn như phương pháp phẫu thuật thông thường. Khi đã tiếp cận được tử cung thì bác sĩ sẽ cắt cơ quan này thành các mảnh nhỏ và lấy từng mảnh một ra ngoài.

Phục hồi sau phẫu thuật cắt tử cung

Sau phẫu thuật cắt tử cung, bạn sẽ cần ở lại bệnh viện từ 2 đến 5 ngày. Bạn sẽ được cho dùng thuốc giảm đau và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như nhịp thở, mạch, huyết áp và nhịp tim. Bạn nên đứng dậy và đi bộ nhẹ nhàng xung quanh càng sớm càng tốt để ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở chân.

Nếu phẫu thuật cắt tử cung qua âm đạo thì âm đạo sẽ được băng bằng gạc để kiểm soát chảy máu. Gạc sẽ được tháo bỏ sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên, hiện tượng chảy máu hoặc chảy dịch màu nâu từ âm đạo có thể sẽ kéo dài trong khoảng 10 ngày sau phẫu thuật. Nên dùng băng vệ sinh để máu không dính bẩn ra quần áo.

Khi được xuất viện về nhà, bạn nên tiếp tục đi bộ. Có thể đi bộ ở trong nhà hoặc đi lại ở bên ngoài. Tuy nhiên, cần tránh các hoạt động mạnh trong 6 tuần đầu, ví dụ như đẩy, nâng và kéo vật nặng, cúi người hay quan hệ tình dục.

Nếu cắt tử cung qua đường âm đạo hoặc phẫu thuật nội soi thì sẽ có thể hoạt động trở lại bình thường sau từ 3 đến 4 tuần. Nếu phẫu thuật qua thành bụng thì thời gian phục hồi sẽ lâu hơn một chút. Cơ thể sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 4 đến 6 tuần.

Rủi ro của phẫu thuật cắt tử cung

Cắt tử cung là một phương pháp phẫu thuật khá an toàn. Tuy nhiên, giống như tất cả các ca phẫu thuật lớn khác, cắt tử cung vẫn có một số rủi ro. Một số người gặp phải các tác dụng phụ của thuốc gây mê như đầu óc lơ mơ, chóng mặt, buồn nôn, tiểu khó,... Ngoài ra còn có nguy cơ chảy máu nặng và nhiễm trùng xung quanh vị trí vết mổ.

Cắt tử cung còn có thể gây tổn thương các mô hoặc cơ quan xung quanh như bàng quang, ruột, các cơ quan khác trong khoang chậu và mạch máu. Bên cạnh đó còn có thể xảy ra các vấn đề không mong muốn khác như:

  • Hình thành cục máu đông
  • Nhiễm trùng
  • Ra nhiều máu

Những rủi ro này rất hiếm khi xảy ra nhưng một khi xảy ra thì sẽ cần phẫu thuật lần hai để khắc phục.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khi nào
Tin liên quan
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.

HPV và ung thư cổ tử cung
HPV và ung thư cổ tử cung

Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.

Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi được, đặc biệt là khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ

Ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 0.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây