1

HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng

Các bước tiến trong phương pháp xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người nhiễm HIV.
HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng

HIV hay virus suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus) là loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể mà cụ thể là các tế bào CD4 – một loại tế bào bạch cầu có vai trò chống lại vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác. HIV phá hủy các tế bào CD4, làm suy yếu khả năng miễn dịch và khiến cho nạn nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao và một số bệnh ung thư. Khi không được điều trị, HIV sẽ dần tiến triển sang giai đoạn AIDS và lúc này, hệ miễn dịch đã bị tàn phá nghiêm trọng, bệnh nhân rất dễ tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Triển vọng sống của những người nhiễm HIV đã được cải thiện đáng kể trong vòng 2 thập kỷ qua nhờ những tiến bộ trong y học. Nhiều người dương tính với HIV hiện có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn khi tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV).

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tuổi thọ của những người nhiễm HIV và điều trị đều đặn đã tăng lên đáng kể từ năm 1996. Từ đó đến nay, nhiều loại thuốc kháng virus mới đã được phát triển và sử dụng. Vì thế mà các phác đồ điều trị hiện nay đem lại hiệu quả kiểm soát HIV rất cao.

Năm 1996, tuổi thọ trung bình của một người 20 tuổi nhiễm HIV là 39 năm. Vào năm 2011, tuổi thọ đã tăng lên khoảng 70 tuổi – không thua kém gì những người bình thường không nhiễm HIV.

Tỷ lệ sống của những người dương tính với HIV cũng được cải thiện đáng kể từ khi virus này được phát hiện cho đến nay. Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện ở những người bị nhiễm HIV tại Thụy Sĩ đã phát hiện ra rằng 78% các trường hợp tử vong từ năm 1988 đến 1995 là do các bệnh liên quan đến AIDS. Từ năm 2005 đến năm 2009, con số này giảm xuống chỉ còn 15%.

Mức độ phổ biến của HIV

Ước tính có khoảng 38 triệu người đang sống với HIV trên toàn Thế giới nhưng số ca nhiễm mới mỗi năm đều giảm so với năm trước. Điều này có được là nhờ nhận thức của mọi người về HIV/AIDS đã tăng lên, nhiều người đi xét nghiệm hơn và những tiến bộ trong điều trị. Điều trị bằng thuốc ARV thường xuyên có thể làm giảm tải lượng HIV trong máu xuống mức không thể phát hiện được. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một người có tải lượng HIV trong máu ở mức không thể phát hiện được sẽ gần như không còn nguy cơ lây truyền virus sang người khác khi quan hệ tình dục.

Tỷ lệ nhiễm HIV ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là khác nhau nhưng Châu Phi vẫn là nơi có tổng số người hiện đang sống chung với HIV và số ca nhiễm mới mỗi năm cao nhất. Châu lục này chiếm tới 2/3 tổng số ca nhiễm HIV trên toàn Thế giới.

HIV được điều trị bằng cách nào?

Mặc dù chưa có cách chữa khỏi HIV nhưng các loại thuốc kháng virus có thể ngăn cản HIV gây tổn hại đến cơ thể, giúp người bệnh có thể sống khỏe mạnh và ngăn HIV tiến triển thành sang giai đoạn cuối hay còn gọi là AIDS.

Người nhiễm HIV thường phải điều trị bằng 3 loại thuốc kháng virus trở lên và uống thuốc đều đặn hàng ngày. Sự kết hợp các loại thuốc khác nhau giúp làm giảm số lượng HIV trong cơ thể (tải lượng virus) một cách đáng kể và ngăn virus hình thành khả năng kháng thuốc. Người bệnh có thể được kê các loại thuốc riêng lẻ hoặc dùng thuốc viên kết hợp có chứa nhiều loại thuốc khác nhau.

Các nhóm thuốc ARV chính để điều trị HIV gồm có:

  • Thuốc ức chế men phiên mã ngược nucleoside (NRTI)
  • Thuốc ức chế men phiên mã ngược không phải nucleoside (NNRTI)
  • Thuốc ức chế protease (PI)
  • Thuốc ức chế xâm nhập
  • Thuốc ức chế integrase

Việc điều trị đều đặn sẽ làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh và không bước sang HIV giai đoạn cuối. Một lợi ích khác của tải lượng virus không phát hiện là làm giảm khả năng lây truyền HIV sang người khác.

Một nghiên cứu vào năm 2014 tại châu Âu đã chứng minh rằng nguy cơ lây truyền HIV là rất thấp khi một người nhiễm HIV có tải lượng virus ở mức không thể phát hiện, có nghĩa là số lượng virus dưới 50 bản sao trên mỗi mililit (ml) máu.

Điều này đã dẫn đến sự ra đời một chiến lược phòng chống HIV có tên là “Điều trị để phòng ngừa” (treatment as prevention – TasP). Chiến lược này thúc đẩy việc điều trị HIV liên tục và nhất quán bằng thuốc ARV để làm giảm sự lây lan của virus.

Các phương pháp điều trị đã phát triển rất nhiều kể từ khi đại dịch HIV/AIDS bùng phát và cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn liên tục có những phát hiện mới. Các báo cáo ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng ở Vương quốc Anh và một nghiên cứu được công bố ở Mỹ đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn về một số phương pháp điều trị có thể loại bỏ HIV trong máu và tăng cường chức năng miễn dịch.

Tuy nhiên, nghiên cứu ở Mỹ được thực hiện trên những con khỉ bị nhiễm SIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở khỉ), nên vẫn cần nghiên cứu sâu hơn để xác định liệu rằng khi được sử dụng cho con người thì phương pháp điều trị đó có đem lại hiệu quả tương tự hay không. Trong thử nghiệm ở Anh, những người tham gia đã không còn dấu hiệu của HIV trong máu sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng có khả năng virus sẽ xuất hiện trở lại và đến nay nghiên cứu này vẫn chưa hoàn thành.

Một loại thuốc tiêm hàng tháng dự kiến ​​sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới sau khi cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng. Thuốc tiêm này kết hợp cabotegravir và rilpivirine (Edurant), đã được chứng minh là có hiệu quả ức chế HIV tương đương với phác đồ điều trị bằng thuốc uống hàng ngày hiện nay.

Tuổi thọ và ảnh hưởng về lâu dài

Mặc dù những người nhiễm HIV đã có tiên lượng khả quan hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn có thể gặp phải một số vấn đề về lâu dài.

  • Người bệnh có thể bị một số vấn đề do chính HIV trực tiếp gây ra hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng virus.
  • Những vấn đề này gồm có:
  • Tốc độ lão hoá nhanh
  • Suy giảm nhận thức
  • Các biến chứng liên quan đến phản ứng viêm
  • Thay đổi lượng và sự phân bố mỡ trong cơ thể (loạn dưỡng mỡ)
  • Ung thư

Khi bị nhiễm HIV và dùng thuốc điều trị, cơ thể người bệnh có thể sẽ có một sự thay đổi trong cách xử lý đường và chất béo. Điều này dẫn đến tình trạng tăng hoặc giảm lượng mỡ tích tụ ở một số vùng nhất định và làm thay đổi hình dạng của cơ thể. Tuy nhiên, vấn đề không mong muốn này chủ yếu xảy ra với các loại thuốc ARV cũ. Các loại thuốc mới hiện nay rất ít gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến ngoại hình.

Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, HIV sẽ dần chuyển sang giai đoạn cuối hay AIDS.

Một người nhiễm HIV sẽ bị AIDS khi hệ miễn dịch quá yếu và không còn khả năng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ kết luận AIDS khi số lượng tế bào T-CD4 trong máu của một người dương tính với HIV giảm xuống dưới 200 tế bào trên mỗi ml máu (tế bào/ml).

Tuổi thọ của mỗi người khi bước sang giai đoạn AIDS là khác nhau. Một số người tử vong chỉ sau vài tháng kể từ khi được chẩn đoán nhưng nếu điều trị bằng liệu pháp kháng virus thì có thể sống được thêm được một thời gian khá dài.

Các biến chứng về lâu dài của HIV

Khi không được điều trị, HIV sẽ giết chết các tế bào miễn dịch. Điều này khiến cơ thể khó chống lại các bệnh nhiễm trùng, dù chỉ là những bệnh nhẹ mà người bình thường có thể dễ dàng vượt qua. Những bệnh nhiễm trùng mà người bị HIV/AIDS mắc phải được gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do lúc này hệ miễn dịch đã quá yếu.

Sự hiện diện của những bệnh nhiễm trùng cơ hội này cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy một người nhiễm HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối.

Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp gồm có:

  • Bệnh lao
  • Viêm phổi tái phát
  • Nhiễm vi khuẩn salmonella
  • Viêm não và tủy sống
  • Các dạng viêm phổi
  • Nhiễm trùng đường ruột mãn tính
  • Bệnh mụn rộp hay herpes (do nhiễm HSV)
  • Nhiễm nấm
  • Nhiễm cytomegalovirus

Các bệnh nhiễm trùng cơ hội, đặc biệt là bệnh lao, là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người bị AIDS. Cách tốt nhất để ngăn ngừa những bệnh này là tuân thủ điều trị và khám sức khỏe định kỳ. Một điều quan trọng nữa là sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tiêm phòng các vắc-xin cần thiết và ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch.

Ngăn HIV tiến triển thành AIDS

HIV có thể nhanh chóng phá hoại hệ miễn dịch và dẫn đến giai đoạn cuối hay AIDS. Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để bảo vệ hệ miễn dịch, ngăn các bệnh nhiễm trùng cơ hội và kéo dài tuổi thọ. Những người nhiễm HIV cần đi khám định kỳ và điều trị các vấn đề sức khỏe khác nếu mắc.

Bắt đầu và duy trì điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi được chẩn đoán là điều vô cùng quan trọng để sống khỏe mạnh, ngăn chặn HIV chuyển sang AIDS và ngăn ngừa các biến chứng.

Tóm tắt bài viết

Các bước tiến trong phương pháp xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Khoảng 30 năm về trước, bị chẩn đoán nhiễm HIV được coi là một bản án tử. Nhưng ngày nay, những người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống lâu dài và khỏe mạnh nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định.

Đó là lý do tại sao việc xét nghiệm HIV định kỳ là rất quan trọng. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để kiểm soát virus, kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ lây truyền bệnh sang người khác. Những người không điều trị sẽ bị các biến chứng do HIV và hậu quả cuối cùng là tử vong.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sự phát triển của các phương pháp điều trị HIV
Sự phát triển của các phương pháp điều trị HIV

Khoảng 30 năm về trước, khi một người nhận được kết quả chẩn đoán nhiễm HIV thì đó chẳng khác nào bị tuyên án “tử hình”. Tuy nhiên ngày nay, đây lại là một tình trạng sức khỏe hoàn toàn có thể kiểm soát được.

9 lầm tưởng phổ biến về HIV/AIDS
9 lầm tưởng phổ biến về HIV/AIDS

Mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát HIV và nguồn thông tin về loại virus này đã rất phổ biến nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng.

Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS
Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS

Các biểu hiện ngoài da của HIV là gì? Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do nhiễm HIV thì sẽ rất dễ mắc phải các vấn đề về da gây phát ban, lở loét và các dạng tổn thương da khác.

Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV
Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV

Sự ra đời của liệu pháp kháng virus đã tạo ra sự thay đổi lớn trong điều trị và phòng ngừa HIV. Phương pháp này đã mang lại hy vọng mới cho những người nhiễm HIV, giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh bình thường và tuổi thọ lâu dài.

Các Triệu Chứng Nhiễm HIV Phổ Biến Ở Nam Giới
Các Triệu Chứng Nhiễm HIV Phổ Biến Ở Nam Giới

Triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới phổ biến là gì? Mỗi một giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện khác nhau.Các giai đoạn phát triển của HIV sẽ như thế nào?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây