1

Độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm HIV

Với các phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay thì việc chẩn đoán sai là điều rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.
Độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm HIV Độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm HIV

Nếu gần đây bạn mới làm xét nghiệm HIV hoặc đang có ý định đi xét nghiệm thì chắc hẳn sẽ lo lắng về khả năng nhận được kết quả không chính xác.

Với các phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay thì việc chẩn đoán sai là điều rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

Thường thì sẽ cần tiến hành xét nghiệm nhiều lần để đưa ra kết luận chính xác. Khi xét nghiệm lần đầu cho kết quả dương tính với HIV thì sẽ phải làm xét nghiệm thêm để xác nhận kết quả. Một số trường hợp có kết quả âm tính với HIV cũng phải xét nghiệm lại.

Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về độ chính xác khi xét nghiệm HIV, các phương pháp xét nghiệm hiện có và cơ chế của mỗi phương pháp.

Mức độ chính xác của xét nghiệm HIV

Nhìn chung, các phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay đều rất chính xác. Độ chính xác của quá trình xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Loại xét nghiệm được thực hiện
  • Thời gian làm xét nghiệm kể từ khi bị phơi nhiễm với HIV
  • Phản ứng của cơ thể mỗi người với HIV

Khi mới nhiễm HIV, khoảng thời gian đầu được gọi là giai đoạn cấp tính. Trong giai đoạn này, virus rất khó phát hiện. Sau một thời gian, nhiễm HIV sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và có thể dễ dàng phát hiện bằng các phương pháp xét nghiệm.

Trong xét nghiệm HIV sẽ có một giai đoạn gọi là “thời kỳ cửa sổ”. Đây là khoảng thời gian từ khi một người bị phơi nhiễm với HIV cho đến khi xét nghiệm có thể phát hiện ra sự hiện diện của virus trong cơ thể. Nếu làm xét nghiệm ngay trong thời kỳ cửa sổ thì có thể sẽ có kết quả âm tính giả.

Các phương pháp xét nghiệm HIV sẽ chính xác hơn nếu được thực hiện sau khi thời kỳ cửa sổ kết thúc. Thời kỳ cửa sổ của mỗi một phương pháp là khác nhau. Những phương pháp có thời kỳ cửa sổ ngắn sẽ phát hiện được HIV sớm hơn sau khi phơi nhiễm.

Kết quả dương tính giả là gì?

Kết quả dương tính giả có nghĩa là một người không nhiễm HIV nhưng lại nhận được kết quả xét nghiệm dương tính.

Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, ví dụ như kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm dán nhãn sai, dẫn đến nhầm lẫn kết quả hoặc xử lý mẫu xét nghiệm không đúng cách. Kết quả xét nghiệm dương tính giả cũng có thể xảy ra ở những người mới tham gia thử nghiệm vắc-xin HIV hoặc có một vấn đề sức khỏe nào đó.

Nếu xét nghiệm lần đầu cho kết quả dương tính thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm lại để xác nhận.

Kết quả âm tính giả là gì?

Kết quả âm tính giả có nghĩa là một người dù đã thực sự bị nhiễm HIV nhưng lại nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Kết quả âm tính giả ít phổ biến hơn dương tính giả, mặc dù cả hai đều hiếm gặp.

Kết quả âm tính giả có thể xảy ra nếu làm xét nghiệm quá sớm sau khi phơi nhiễm với HIV. Các phương pháp xét nghiệm HIV chỉ chính xác khi được thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi tiếp xúc với virus. Độ dài ngắn của thời kỳ cửa sổ ở mỗi phương pháp xét nghiệm là khác nhau.

Nếu một người làm xét nghiệm HIV trong vòng 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus và kết quả là âm tính thì nên xét nghiệm lại sau 3 tháng để xác nhận.

Đối với phương pháp xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể (xét nghiệm HIV Ag/Ab) thì có thể tiến hành xét nghiệm lại sớm hơn, khoảng 45 ngày sau thời điểm nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV. Điều này sẽ giúp xác định xem kết quả xét nghiệm lần đầu có chính xác hay không.

Có những phương pháp xét nghiệm HIV nào?

Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm HIV. Mỗi phương pháp phát hiện một dấu hiệu khác nhau của virus. Các phương pháp này gồm có:

Xét nghiệm kháng thể

Hầu hết các phương pháp xét nghiệm HIV là xét nghiệm kháng thể. Khi cơ thể bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để chống lại. Phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện kháng thể kháng HIV trong máu hoặc nước bọt.

Sau khi một người phơi nhiễm với HIV, cơ thể cần có thời gian để sản xuất đủ lượng kháng thể mà xét nghiệm có thể phát hiện được. Trong hầu hết các trường hợp thì thời gian này là 3 đến 12 tuần nhưng cũng có thể lâu hơn.

Một số xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV được thực hiện trên mẫu máu lấy từ tĩnh mạch. Sau khi lấy máu, bác sĩ sẽ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích. Kết quả sẽ có sau vài ngày.

Các phương pháp xét nghiệm kháng thể khác được thực hiện trên mẫu máu lấy từ đầu ngón tay hoặc trên mẫu nước bọt. Hiện nay có các phương pháp xét nghiệm cho kết quả nhanh và cả những bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà. Xét nghiệm nhanh thường cho kết quả trong vòng 30 phút. Nói chung, các phương pháp xét nghiệm mẫu máu từ tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn so với các xét nghiệm được thực hiện trên mẫu máu chích từ ngón tay hoặc nước bọt.

Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể

Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể còn được gọi là xét nghiệm combo Ag/Ab hay xét nghiệm HIV thế hệ thứ tư. Phương pháp xét nghiệm này tìm các protein (hay kháng nguyên) từ HIV và cả các kháng thể kháng HIV.

Khi một người nhiễm HIV, virus sẽ tạo ra một loại protein có tên là p24 trước khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kết quả là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể có thể phát hiện ra virus sớm hơn phương pháp xét nghiệm kháng thể.

Ở hầu hết mọi người, HIV sẽ tạo ra đủ lượng kháng nguyên p24 để xét nghiệm phát hiện được trong vòng từ 13 đến 42 ngày (khoảng 2 đến 6 tuần) sau khi phơi nhiễm. Nhưng cũng có nhiều trường hợp mà thời kỳ cửa sổ kéo dài hơn.

Để tiến hành xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để gửi đến phòng thí nghiệm phân tích. Kết quả sẽ có sau vài ngày.

Xét nghiệm axit nucleic (NAT)

Xét nghiệm axit nucleic (NAT) còn được gọi là xét nghiệm RNA HIV. Phương pháp này có thể phát hiện vật chất di truyền từ virus trong máu.

Nói chung, NAT có thể phát hiện HIV sớm hơn so với xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể. Lượng vật chất di chuyền trong máu sẽ đủ để xét nghiệm phát hiện ra sau khoảng từ 7 đến 28 ngày kể từ khi phơi nhiễm.

Tuy nhiên, NAT cho chi phí thực hiện rất cao và thường không được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc HIV. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ yêu cầu tiến hành phương pháp xét nghiệm này khi xét nghiệm kháng thể hay xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể cho kết quả dương tính hoặc trong những trường hợp có nguy cơ cao đã phơi nhiễm HIV hoặc có các triệu chứng nhiễm HIV cấp tính .

Ở những người đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) thì những loại thuốc này có thể làm giảm độ chính xác của NAT. Do đó, cần cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng PrEP hoặc PEP.

Khi nào nên xét nghiệm HIV?

Có thể làm xét nghiệm sàng lọc HIV như một phần trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc cũng có thể làm xét nghiệm riêng biệt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị những người trong độ tuổi từ 13 đến 64 nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần.

Đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao thì CDC khuyến nghị nên xét nghiệm thường xuyên hơn. Ví dụ, những người có nhiều bạn tình sẽ có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn và nên làm xét nghiệm 3 tháng một lần.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính

Khi xét nghiệm HIV lần đầu cho kết quả dương tính thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm lại để xác nhận chính xác.

Nếu xét nghiệm lần đầu được thực hiện tại nhà bằng các bộ dụng cụ như OraQuick và có kết quả dương tính thì cần đến bệnh viện làm xét nghiệm máu. Nếu xét nghiệm lần đầu được thực hiện tại bệnh viện thì lần xét nghiệm lại có thể được tiến hành trên cùng một mẫu máu hoặc lấy mẫu máu khác.

Nếu xét nghiệm lần hai vẫn có kết quả dương tính thì bác sĩ sẽ bắt đầu đưa ra phác đồ điều trị HIV. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tiên lượng và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng do HIV.

Tóm tắt bài viết

Có ba phương pháp xét nghiệm HIV chính là xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể và xét nghiệm axit nucleic (NAT). Nhìn chung, khả năng chẩn đoán HIV sai là rất thấp. Tuy nhiên, vẫn có khả năng xét nghiệm cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm và đưa ra các bước tiếp theo.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phương pháp
Tin liên quan
HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng
HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng

Các bước tiến trong phương pháp xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người nhiễm HIV.

Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?
Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?

Trước đây, cách duy nhất để xác định một người có bị nhiễm HIV hay không là đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Hiện nay đã có rất nhiều lựa chọn để có thể tự kiểm tra tình trạng nhiễm HIV ngay tại nhà.

Ai cần làm xét nghiệm HIV?
Ai cần làm xét nghiệm HIV?

Phát hiện sớm HIV sẽ có thể điều trị kịp thời, ngăn chặn virus gây tổn hại đến hệ miễn dịch và tránh vô tình lây truyền bệnh sang người khác.

Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV
Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV

Xét nghiệm ELISA được khuyến nghị cho những trường hợp đã phơi nhiễm với HIV hoặc có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.

Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV
Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV

Sự ra đời của liệu pháp kháng virus đã tạo ra sự thay đổi lớn trong điều trị và phòng ngừa HIV. Phương pháp này đã mang lại hy vọng mới cho những người nhiễm HIV, giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh bình thường và tuổi thọ lâu dài.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây