1

Tramadol là thuốc gì?

Tramadol là một thuốc giảm đau thần kinh tổng hợp, nhóm giảm đau opioid. Tuy có hiệu quả tốt trong điều trị các cơn đau mức độ từ vừa đến nặng nhưng Tramadol có nhiều tác dụng phụ và nguy cơ tương tác với nhiều thuốc.

1. Tramadol là thuốc gì?

Tramadol là thuốc gì? Tramadol là thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid, được sử dụng để điều trị cơn đau mức độ từ vừa đến nặng. Tramadol hoạt động bằng cách tác động vào não bộ, làm thay đổi mức độ cảm nhận cơn đau của cơ thể. Tramadol có thể sử dụng kết hợp với các thuốc trị đau khác, chế phẩm kết hợp thường được sử dụng là Paracetamol + Tramadol.

Tramadol là thuốc kê đơn, để mua thuốc Tramadol người bệnh cần phải có đơn thuốc của bác sĩ. Tramadol có nhiều dạng bào chế gồm: viên nén (hàm lượng 50mg), viên nén giải phóng kéo dài (các hàm lượng gồm 100mg, 200mg, 300mg), viên đạn (100mg), dung dịch tiêm (50mg/ml). Tùy theo nhu cầu giảm đau của người bệnh, độ tuổi, các thuốc khác đang sử dụng đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc Tramadol phù hợp.

Tramadol là thuốc gì?
Thuốc Tramadol có tác dụng giảm đau hiệu quả

2. Cách dùng thuốc Tramadol

2.1. Cách dùng thuốc Tramadol dạng viên nén

Bệnh nhân 17 tuổi trở lên có đau mạn tính vừa và nặng vừa không cần tác dụng giảm đau nhanh có thể dùng viên nén Tramadol như sau: liều ban đầu 25 mg mỗi ngày vào buổi sáng. Sau đó, tăng liều với mức tăng 25 mg (liều uống riêng rẽ), cách 3 ngày tăng một lần. Tăng dần cho đến liều 4 lần dùng thuốc/ngày, liều mỗi lần 25 mg, ngày 4 lần. Nếu vẫn cần tăng liều để đáp ứng nhu cầu giảm đau, có thể tăng liều hàng ngày nếu cơ thể dung nạp được với mức tăng 50 mg, cách 3 ngày tăng một lần, tới liều mỗi lần 50 mg, ngày 4 lần. Sau khi chuẩn độ, có thể dùng liều 50 - 100 mg, cách 4 - 6 giờ một lần. Liều uống viên nén Tramadol mỗi ngày không vượt quá 400 mg.

Bệnh nhân 17 tuổi trở lên cần tác dụng giảm đau nhanh, đồng thời bác sĩ cân nhắc thấy lợi ích của tác dụng giảm đau nhanh lớn hơn nguy cơ phải ngừng thuốc do tác dụng phụ xảy ra khi dùng liều ban đầu cao, có thể dùng Tramadol dạng viên nén mỗi lần 50 - 100 mg, cách 4 - 6 giờ một lần. Liều uống viên nén Tramadol không vượt quá 400 mg mỗi ngày.

2.2. Cách dùng thuốc Tramadol dạng viên nén giải phóng kéo dài

Liều dùng viên nén tramadol giải phóng kéo dài để điều trị đau mạn tính cho bệnh nhân 18 tuổi trở lên: liều ban đầu là 100 mg, dùng 1 lần/ngày. Sau đó có thể cách 5 ngày tăng thêm 100mg nếu dung nạp được. Liều dùng thuốc Tramadol dạng viên giải phóng kéo dài không vượt quá 300 mg/ngày.

Tramadol là thuốc gì?
Thuốc Tramadol cần được uống theo chỉ định của bác sĩ

2.3. Cách dùng thuốc Tramadol ngoài đường tiêu hóa

Thuốc Tramadol dạng tiêm: có thể dùng liều mỗi lần 50 - 100 mg, cách 4 - 6 giờ một lần. Thuốc tramadol dạng tiêm có thể dùng tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm trong 2 - 3 phút hoặc truyền tĩnh mạch. Để điều trị đau sau phẫu thuật, liều Tramadol dạng tiêm ban đầu là 100 mg. Tiếp sau đó nếu cần, cách 10 - 20 phút một lần tiêm liều 50mg cho tới tổng liều tối đa là 250 mg trong giờ đầu tiên. Sau đó, tiêm mỗi lần 50 - 100 mg Tramadol, cách 4 - 6 giờ một lần, tới một tổng liều thuốc Tramadol tối đa mỗi ngày là 600 mg.

Thuốc tramadol dạng viên đạn dùng đường trực tràng: liều thường dùng đường trực tràng dưới dạng thuốc đạn là mỗi lần 100 mg, tối đa 4 lần mỗi ngày.

3. Tramadol có tác dụng phụ như thế nào?

Tramadol tác dụng phụ thường gặp là buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, đổ mồ hôi, khô miệng, mệt mỏi. Nếu ở mức độ nhẹ, những tác dụng phụ này có thể biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần. Hãy báo bác sĩ nếu những tác dụng phụ này kéo dài hoặc ngày càng nặng hơn.

Bên cạnh những tác dụng phụ thường gặp, Tramadol có thể gây nhiều tác dụng phụ tuy ít gặp nhưng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, có thể đe dọa sức khỏe người sử dụng như:

  • Hội chứng Serotonin gồm các triệu chứng như nhịp tim nhanh, huyết áp cao, thân nhiệt cao hơn bình thường, thiếu phối hợp trong kiểm soát chuyển động, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ảo giác, kích động,...
  • Các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp như: nhịp thở chậm, thở rất nông (lồng ngực cử động rất ít khi thở), ngất xỉu, chóng mặt,...
  • Hội chứng cai khi ngừng thuốc: cảm thấy cáu kỉnh, lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, tăng huyết áp, nhịp thở nhanh, nhịp tim nhanh, đồng tử giãn lớn, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau cơ, đau lưng, đau khớp,...
  • Suy thượng thận: mệt mỏi kéo dài, yếu cơ, đau bụng,...
  • Hội chứng thiếu Androgen với các triệu chứng gồm mệt mỏi, khó ngủ,..

Ngoài ra, người bệnh có thể bị co giật và nghiện thuốc Tramadol. Trên đây không phải đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Tramadol có thể xảy ra, hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu trong quá trình dùng thuốc, bạn nhận thấy cơ thể xuất hiện các tác dụng phụ chưa được liệt kê ở trên.

Tramadol là thuốc gì?
Thuốc Tramadol có thể gây ra triệu chứng chóng mặt dữ dội

4. Tương tác giữa Tramadol và các thuốc

Tương tác có thể xảy ra giữa các thuốc dùng đồng thời, khiến thuốc bị giảm tác dụng hoặc tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ. Thuốc Tramadol có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau, một số tương tác có thể gây hậu quả nghiêm trọng cần đặc biệt lưu ý là:

  • Carbamazepin: khi dùng Tramadol cùng Carbamazepin có thể làm giảm hiệu quả giảm đau của Tramadol, đồng thời làm tăng nguy cơ co giật.
  • Thuốc trầm cảm (như sertraline, fluoxetine, paroxetine, citalopram, escitalopram, duloxetine hoặc venlafaxine); nhóm thuốc ức chế monoamine oxidase ( như isocarboxazid, phenelzine, selegiline); các thuốc trị đau đầu (như sumatriptan, rizatriptan, zolmitriptan); Linezolid; Lithium : khi sử dụng Tramadol cùng với những loại thuốc này sẽ tăng nguy cơ xảy ra hội chứng serotonin với các triệu chứng như kích động, bồn chồn, tim đập nhanh, tăng thân nhiệt, buồn nôn, nôn,... Nếu người bệnh sử dụng một trong những loại thuốc này với Tramadol, bác sĩ sẽ theo dõi người bệnh chặt chẽ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu của triệu chứng Serotonin bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp can thiệp như điều chỉnh liều các thuốc hoặc đổi thuốc.
  • Thuốc an thần (như Zolpidem): khi sử dụng cùng Tramadol sẽ tăng nguy cơ bị chậm thở, hạ huyết áp, giảm nhịp tim, lú lẫn,...
  • Các thuốc nhóm Benzodiazepin (như alprazolam, clonazepam, diazepam, lorazepam); các thuốc opioid để giảm đau (như hydrocodone, oxycodone, morphine); thuốc gây mê (như succinylcholine, pentothal, propofol): khi sử dụng Tramadol cùng với những thuốc này, người bệnh sẽ tăng nguy cơ bị lú lẫn, chậm hoặc ngừng thở, hạ huyết áp, giảm nhịp tim, hôn mê, thậm chí tử vong.
  • Một số thuốc khi dùng cùng với Tramadol sẽ làm lượng Tramadol trong cơ thể tăng lên, từ đó làm cho người bệnh tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ của Tramadol. Các thuốc thường gặp là: kháng sinh (như Erythromycin), thuốc chống trầm cảm (như amitriptyline), thuốc chống nấm (như ketoconazole), thuốc ức chế protease ( như ritonavir, atazanavir, darunavir),...
Tramadol là thuốc gì?
Thuốc Tramadol có thể gây tương tác với thuốc Zolpidem

5. Một số thận trọng khi sử dụng thuốc Tramadol

Tuy có hiệu quả tốt trong giảm đau mức độ từ vừa đến nặng, tuy nhiên Tramadol là thuốc cần hết sức thận trọng khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng thuốc Tramadol, người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem các thuốc đang dùng có tương tác với Tramadol không, nhằm ngăn chặn các tương tác có thể xảy ra. Trong quá trình điều trị bằng Tramadol, người bệnh không được tự ý sử dụng các thuốc mới, thay đổi liều hoặc ngừng thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thận trọng khác khi sử dụng thuốc Tramadol gồm:

  • Nguy cơ gây thở chậm hoặc ngừng thở: thuốc Tramadol có thể làm bệnh nhân chậm hoặc ngừng thở. Nguy cơ này cao nhất trong vòng ba ngày kể từ khi bắt đầu dùng thuốc hoặc khi người bệnh tăng liều thuốc. Khi các triệu chứng này xảy ra, người bệnh hãy ngay lập tức tìm sự trợ giúp y tế, nếu không được can thiệp kịp thời có thể xảy ra những hậu quả rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
  • Nếu vô tình nuốt phải thuốc Tramadol, đặc biệt là trẻ em, dù chỉ một lần cũng có thể gây tử vong cho trẻ. Do đó, hãy lưu giữ thuốc Tramadol ngoài tầm tay trẻ em.
  • Không dùng thuốc Tramadol cho trẻ em dưới 12 tuổi, một số trường hợp cơ thể trẻ phản ứng với thuốc quá nhanh dẫn đến thở chậm và nguy cơ tử vong. Thuốc cũng không nên dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ nhất định như người vừa cắt amidan, nạo VA,...
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được sử dụng thuốc Tramadol do có thể dẫn đến hội chứng cai Opioid ở trẻ sơ sinh. Các triệu chứng của hội chứng cai nghiện gồm cáu kỉnh, hiếu động thái quá, nôn mửa, tiêu chảy, chậm lớn,...

Tramadol là một thuốc giảm đau thần kinh tổng hợp, nhóm giảm đau opioid. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

healthline.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Thuốc Zebutal: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Zebutal: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Đau đầu do căng thẳng là tình trạng rất phổ biến hiện nay, nguyên nhân chính là do các cơ trở nên căng cứng do stress, lo lắng, chấn thương, trầm cảm... Ngoài các biện pháp thư giãn thì thuốc là một lựa chọn cấp thiết đối với tình trạng này, trong đó có thuốc Zebutal. Vậy Zebutal là thuốc gì?

Thuốc Xyzbac: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Xyzbac: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Xyzbac là một sản phẩm vitamin tổng hợp có tác dụng trong điều trị hoặc ngăn chặn sự thiếu hụt vitamin do chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, do bệnh tật nào đó hoặc trong quá trình mang thai.

Thuốc Ursodiol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Ursodiol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Ursodiol dùng để điều trị và ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật ở những người béo phì. Ngoài ra, Ursodiol còn được dùng để điều trị các bệnh về gan. Thuốc được sử dụng theo đường uống dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Thuốc Viactiv: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc Viactiv: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Viactiv là sản phẩm có hiệu quả và được lựa chọn sử dụng nhiều trong điều trị tình trạng canxi máu thấp. Để thuốc phát huy hiệu quả, an toàn cũng như hạn chế được tác dụng phụ, người bệnh nên sử dụng Viactiv theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc nhỏ mắt Xelpros: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
Thuốc nhỏ mắt Xelpros: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Xelpros là một thuốc giảm áp lực trong mắt, giúp điều trị một số bệnh về mắt nhất định như tăng nhãn áp góc mở, tăng huyết áp mắt. Vậy Xelpros nên dùng như thế nào cho hiệu quả?

Tin liên quan
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?

Hiện nay, việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cảm cúm đã trở thành thói quen ở nhiều người. Trong đó, Tiffy và Decolgen là hai loại thuốc trị cảm cúm phổ biến được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, sử dụng Tiffy hay Decolgen là tốt hơn khi bị cảm cúm là nỗi băn khoăn của hầu hết mọi người.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây