1

Những điều người bệnh cần lưu ý trước ngày phẫu thuật - Bệnh viện Việt Đức

Chuẩn bị trước, trong và sau phẫu thuật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là thời điểm người bệnh cần có sự chuẩn bị tốt nhất cả về thể chất và tinh thần để bước vào ca phẫu thuật. Do đó, người bệnh/người nhà người bệnh cần nắm rõ quy trình chuẩn bị trước, trong và sau phẫu thuật để tối ưu hóa các dịch vụ chăm sóc, điều trị, ngăn ngừa yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phẫu thuật hoặc gây mê.

Tài liệu Hướng dẫn người bệnh chuẩn bị trước trong và sau phẫu thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhằm cung cấp thông tin đầy đủ giúp người bệnh/người nhà người bệnh hiểu rõ quy trình để có sự chuẩn bị cần thiết và giảm thiểu các lo lắng cho người bệnh/ người nhà người bệnh.

Người bệnh cần lưu ý, vào những ngày trước phẫu thuật:

  • Với bất kỳ thay đổi nào về tình trạng chung của cơ thể, người bệnh/ người nhà người bệnh cần phải liên hệ với bệnh viện và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Đơn thuốc có thể được chỉ định sau khi bác sỹ thăm khám (nếu cần).
  • Người bệnh sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
  • Các xét nghiệm như: xét nghiệm máu, chụp XQ, siêu âm bụng, nội soi, điện tim, chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, siêu âm tim (nếu cần) sẽ được hoàn thành trước khi thực hiện ca phẫu thuật của người bệnh.

Những việc nên làm trước khi phẫu thuật:

  • Nên ăn uống đủ chất: Người bệnh cần dinh dưỡng tốt, đầy đủ để cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng và hồi phục tốt sau mổ (theo hướng dẫn của nhân viên y tế).
  • Nên suy nghĩ tích cực.
  • Nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc (tối thiểu 8h/ngày).
  • Nên tập các động tác lý liệu pháp hô hấp: Tập hít sâu, thở chậm, ho khạc đờm.
  • Nên nằm trên giường tập các động tác co, gấp, duỗi các chi.
  • Nên mang các giấy tờ tùy thân của người bệnh như: Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển tuyến, chứng minh thư (tất cả còn hạn)/ hoặc thẻ học sinh có dán ảnh có dấu giáp lai của địa phương với trẻ em trên 6 tuổi. Trẻ em dưới 6 tuổi thì bố/mẹ bệnh nhân phải xuất trình chứng minh thư nhân dân. Tất cả giấy tờ cần được trình trong vòng 24h sau khi nhập viện.
  • Nên liên hệ với công ty bảo hiểm của người bệnh: Để xem có những khoản chi phí nào mà bảo hiểm sẽ chi trả theo chính sách của họ và họ cần những thủ tục gì khi người bệnh thanh toán.
  • Nên đi cùng với người thân/ người giám hộ: Để hỗ trợ người bệnh khi cần (đảm bảo an toàn cũng như lý do pháp lý).

Những việc không nên làm trước khi phẫu thuật:

  • Không hút thuốc: Người bệnh có thể gặp các vấn đề về hô hấp trong hoặc sau khi phẫu thuật, và nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi. Hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu, làm chậm quá trình lành vết mổ, và vết mổ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
  • Không uống rượu, bia, cafe: Uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và làm loãng máu của người bệnh. Nó sẽ gây ra chảy máu hoặc nhiễm khuẩn vết mổ cũng như ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của người bệnh.
  • Không nên mang trang sức quý giá, đắt tiền đến bệnh viện (chỉ mang những gì cần thiết cho việc thanh toán và các chi phí phát sinh khác).
  • Không nên mang theo chăn, màn, phích nước, vali, túi lớn…
  • Một số loại thuốc đặc biệt (khi bác sỹ kê) như thuốc chống đông… người bệnh phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Nếu người bệnh sốt/cảm lạnh, đến kỳ kinh nguyệt hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác trước phẫu thuật 1 ngày hay người bệnh/người nhà người bệnh muốn hoãn mổ, hãy gọi điện để thông báo với khoa phòng xin tư vấn và trợ giúp (nếu cần).
  • Việc không cạo lông vùng phẫu thuật trước 7 ngày phẫu thuật là quan trọng bởi vì nó có thể tạo ra vi khuẩn.

Các dịch vụ sẵn có tại bệnh viện mà bảo hiểm y tế không chi trả:

  • Mổ sớm theo yêu cầu trong đó có (mổ ngoài giờ, yêu cầu chuyên gia, phẫu thuật viên, xem ngày giờ phẫu thuật) chi phí tùy theo ca mổ
  • Dịch vụ giảm đau sau mổ
  • Giường bệnh theo yêu cầu
  • Ăn uống phục vụ tại chỗ
  • Gội đầu
  • Xe cứu thương và nhân viên vận chuyển đi cùng người bệnh (nếu cần).

Ngày vào viện:

Người bệnh đến văn phòng khoa để nhận giấy tờ và hoàn thiện các thủ tục hành chính.

Người bệnh vào nhập viện đúng giờ hẹn, mang theo đơn thuốc và báo lại bác sĩ. Người bệnh đến văn phòng khoa để nhận giấy tờ, đi nộp tạm ứng viện phí và trình bảo hiểm y tế (nếu có), hoàn thiện thủ tục hành chính. Sau đó, người bệnh sẽ được xếp giường nằm điều trị, có giường dịch vụ cho người bệnh nếu có nhu cầu.       

Người bệnh sẽ được phát và dùng đồ vải sạch hàng ngày và khi bị bẩn. Cần lưu ý có mặt tại giường/phòng bệnh, không tự ý bỏ ra ngoài khoa/phòng. Nếu ra ngoài người bệnh phải báo cho nhân viên y tế biết và ký vào hồ sơ.

Người bệnh được hướng dẫn phát quần áo và hướng dẫn nội quy khoa/phòng

Người bệnh được nhân viên y tế đeo thẻ định danh và sẽ mang thẻ định danh trong suốt quá trình điều trị để tránh nhầm lẫn giữa người bệnh với nhau, được hướng dẫn, phổ biến nội quy khoa phòng, bệnh viện.

Người bệnh được bác sỹ gây mê khám trước mổ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người bệnh sẽ được gây mê/gây tê vùng, bởi bác sỹ gây mê. Nếu người bệnh/người nhà người bệnh có đề xuất dùng gói giảm đau thì sẽ đề nghị vào thời điểm này.

Người bệnh được phẫu thuật viên (Bác sỹ mổ) giải thích cách thức phẫu thuật và các biến chứng có thể xảy ra. Giải đáp các thắc mắc của người bệnh/người nhà người bệnh về bệnh, phẫu thuật và điều trị.

Người bệnh được phẫu thuật viên giải thích cách thức phẫu thuật và các biến chứng có thể xảy ra trước khi mổ

  • Người bệnh được hướng dẫn chế độ ăn uống, dùng thuốc (nếu có), nhịn ăn chuẩn bị mổ, vệ sinh, thay váy mổ…
  • Người bệnh/người nhà người bệnh được bác sĩ/điều dưỡng giải thích những câu hỏi, băn khoăn của người bệnh/người nhà người bệnh để người bệnh/người nhà người bệnh yên tâm phẫu thuật.
  • Hoàn thiện các xét nghiệm bổ sung (nếu có).

Tùy từng chuyên khoa và từng trường hợp người bệnh cụ thể mà bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê sẽ cho chỉ định người bệnh nhịn ăn, uống trước mổ vào thời điểm nào.

Nhịn ăn uống giúp phòng ngừa việc hít các vật thể lạ, chất nôn vào đường thở gây sặc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nếu người bệnh mới ăn uống và phải phẫu thuật cấp cứu thì bác sỹ gây mê sẽ đánh giá nguy cơ hít các vật thể lạ khi hôn mê.

Kể cả trong trường hợp bạn được gây tê vùng thì việc tuân thủ các hướng dẫn nhịn ăn uống cũng rất quan trọng vì có thể người bệnh sẽ phải gây mê toàn thân.

Tùy từng chuyên khoa và từng trường hợp người bệnh cụ thể mà bác sĩ phẫu thuật sẽ cho chỉ định người bệnh thụt dẫn/thụt thuốc vào thời điểm nào trước mổ.

Nguồn: Bệnh viện Việt Đức.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây