1

Béo phì ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Do chế độ ăn uống và lối sống ít vận động ngày nay mà tỷ lệ béo phì ngày càng tăng. Những người bị béo phì có nguy cơ cao mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe. Những vấn đề này ảnh hưởng đến gần như mọi bộ phận của cơ thể, gồm có não bộ, mạch máu, tim, gan, túi mật, xương và khớp.
Béo phì ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? Béo phì ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Hệ thần kinh

Thừa cân hoặc béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ - tình trạng mà máu ngừng lưu thông lên não. Béo phì cũng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, ví dụ như làm tăng nguy cơ trầm cảm, tự ti và các vấn đề khác.

Hệ hô hấp

Mỡ tích trữ quanh cổ có thể làm hẹp các đường thở, gây khó thở vào ban đêm và dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là tình trạng mà sự hô hấp bị gián đoạn tạm thời, lặp đi lặp lại nhiều lần trong khi ngủ.

Hệ tiêu hóa

Những người béo phì dễ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Vấn đề này xảy ra khi axit dạ dày trào lên thực quản.

Ngoài ra, béo phì làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Nguyên nhân là do dịch mật tích tụ và cứng lại trong túi mật, có thể phải làm phẫu thuật để loại bỏ.

Mỡ cũng có thể tích tụ quanh gan và dẫn đến tổn thương gan, hình thành mô sẹo và thậm chí gây suy gan.

Hệ tim mạch và nội tiết

Ở những người bị béo phì, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này dẫn đến cao huyết áp hay tăng huyết áp. Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Béo phì cũng có thể làm cho các tế bào của cơ thể trở nên đề kháng với insulin. Insulin là một loại hormone giúp các tế bào lấy đường vào từ máu để tạo năng lượng. Khi bị kháng insulin, các tế bào không còn phản ứng tốt với insulin và không thể lấy đường một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 - một tình trạng mà lượng đường trong máu quá cao. Bệnh tiểu đường tuýp 2 lại có thể dẫn đến một loạt các biến chứng khác, ví dụ như bệnh tim mạch, bệnh thận, đột quỵ, hoại tử chi và mù lòa.

Cao huyết áp, nồng độ cholesterol và mức đường huyết cao cùng với lượng mỡ thừa trong cơ thể có thể làm cho các mạch máu dẫn máu về tim trở nên cứng và hẹp lại. Các động mạch cứng, được gọi là xơ vữa động mạch, có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bệnh tiểu đường và cao huyết áp cũng là nguyên nhân phổ biến của bệnh thận mạn tính.

Hệ sinh dục

Béo phì có thể khiến phụ nữ khó mang thai hơn. Vấn đề này cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ.

Hệ cơ xương khớp

Béo phì có thể làm giảm mật độ xương và khối lượng cơ. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ gãy xương, khuyết tật thể chất, kháng insulin cao hơn và sức khỏe tổng thể kém.

Trọng lượng cơ thể lớn sẽ làm tăng áp lực lên các khớp xương, dẫn đến đau và cứng khớp.

Hệ vỏ bọc (da)

Người béo phì có nhiều nếp gấp da trên cơ thể và những nếp gấp này thường bị nổi mẩn đỏ, kích ứng, ngứa rát. Một tình trạng gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans) cũng có thể xảy ra ở người béo phì với các biểu hiện là những vùng da thâm sạm, dày lên ở các nếp gấp và nếp nhăn trên cơ thể, ví dụ như cổ, nách,…

Các tác động khác của béo phì lên cơ thể

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau, gồm có ung thư nội mạc tử cung, ung thư gan, ung thư thận, ung thư cổ tử cung, ung thư ruột kết, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy,...

Chỉ số khối cơ thể (BMI) càng tăng thì nguy cơ mắc ung thư sẽ càng cao.

Tóm tắt bài viết

Béo phì ảnh hưởng đến gần như mọi bộ phận của cơ thể. Nếu đang bị béo phì thì cần thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên và kết hợp với các thay đổi thói quen sinh hoạt khác để giảm cân và giảm nguy cơ mắc phải những vấn đề nêu trên.

Chỉ cần giảm từ 5 đến 10% cân nặng hiện tại là có thể cải thiện sức khỏe đáng kể.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây