1

Cầu Răng

Cầu răng là gì?

Cầu răng lấp đầy khoảng trống của răng bị mất nhờ một hoặc nhiều răng giả. Cầu thường được tạo ra bằng cách đặt mão răng lên trên cùi răng thật (abutment) ở 2 bên của khoảng trống, với răng giả ở giữa. Cầu cũng có thể được hỗ trợ bởi trụ implant.

Mất răng không chỉ tạo ra khoảng trống cho nụ cười của bạn – chúng còn ảnh hưởng tới khả năng ăn nhai hoặc nói chuyện, và trong một số trường hợp, gây ra sự dịch chuyển của các răng còn lại.

Các loại cầu răng khác nhau

Các loại cầu răng

  • Cầu răng truyền thống có khung sườn kim loại, được hợp nhất với sứ hoặc gốm. Mão răng được đặt lên trên răng abutment ở cả 2 bên của răng bị mất, với một chiếc răng giả ở giữa được gọi là pontic (nhịp cầu) lấp đầy khoảng trống.
  • Cầu răng được hỗ trợ bằng implant được xem là loại cầu răng khỏe nhất và ổn định nhất, vì chúng được giữ tại chỗ bởi trụ implant. Loại này đắt nhất và chuyên sâu nhất. Thông thường, cầu răng được hỗ trợ bằng implant cần phải trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là phẫu thuật cắm trụ implant vào xương hàm, và đợi khoảng 4-6 tháng để lành thương và quá trình tích hợp xương diễn ra. Giai đoạn 2, khi implant đã sẵn sàng, bác sĩ sẽ đặt cầu lên trên.
  • Cầu Maryland, còn được gọi là cầu cánh dán, được xem là một sự thay thế bảo tồn hơn so với cầu truyền thống. Chúng được làm từ sứ và được hỗ trợ bởi khung kim loại hoặc khung sứ - là 2 cánh ở 2 bên răng giả. 2 cánh này được dán vào mặt sau của 2 răng thật liền kề. Ưu điểm của loại cầu này là 2 răng thật bên cạnh được bảo tồn, không bị mài răng và không dùng mão răng.
  • Cầu răng với hoặc cầu răng đèo (cantilever bridges): loại cầu này ít phổ biến hơn vì nó chỉ được sử dụng ở trong trường hợp có răng liền kề ở 1 bên của răng bị mất, hay nói cách khác, nó chỉ sử dụng 1 răng trụ để hỗ trợ nhịp cầu. Pontic (nhịp cầu) được giữ tại chỗ bằng cách dính mão răng vào duy nhất 1 răng abutment.

Quá trình gắn cầu răng

Trong lần khám đầu tiên để lắp cầu răng, răng trụ sẽ được chuẩn bị. Quá trình chuẩn bị này bao gồm việc tạo hình cho răng bằng cách loại bỏ đi một phần men răng để tạo chỗ cho mão răng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy khuôn răng để từ đó bên xưởng nha khoa có thể sản xuất ra cầu răng, nhịp cầu và mão răng. Bác sĩ sẽ cho bạn đeo một cầu răng tạm thời để bảo vệ răng và lợi trong khi cầu răng được hoàn thành.

Khi đến phòng khám lần thứ hai, cầu tạm thời sẽ được gỡ ra và bác sĩ sẽ kiểm tra lại chiếc cầu cố định, sau đó điều chỉnh sao cho vừa vặn nhất với hàm răng của bạn. Bạn có thể sẽ phải đến phòng khám nhiều lần để kiểm tả độ vừa vặn của khung kim loại và khớp cắn. Điều này còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu cầu răng là loại cầu cố định thì bác sĩ có thể sẽ dính cầu tạm thời vào vị trí trong 1, 2 tuần để đảm bảo chắc chắn cầu khớp hoàn toàn với răng tự nhiên. Sau vài tuần, cầu sẽ được gắn cố định.

Có thể tháo gỡ và dán lại cầu răng không?

Câu trả lời là có. Trong một số trường hợp, cầu răng sẽ cần phải được gỡ bỏ và dán lại. Theo các bác sĩ chuyên môn, có một vài phương pháp để tháo gỡ cầu răng, nhưng hầu hết khuyến cáo chỉ nên tháo cầu răng khi thực sự cần thiết về mặt y tế.

Cầu răng duy trì được bao lâu?

Cầu răng có tuổi thọ khoảng 5-15 năm, phụ thuộc vào loại cầu bạn sử dụng (cầu răng có hỗ trợ implant là bền chắc nhất), và cách bạn chăm sóc răng miệng. Nếu bạn muốn một giải pháp vĩnh viễn hơn, hãy tham khảo phương pháp trồng răng implant.

Chăm sóc cầu răng như thế nào?

Thực hành tốt vệ sinh răng miệng sau khi gắn cầu răng là điều cần thiết. Ngoài việc đánh răng 2 lần mỗi ngày, bạn cần phải dùng chỉ nha khoa để làm sạch bên dưới cầu răng cũng như các kẽ răng xung quanh. Đặc biệt chú ý đến các cạnh của răng đối diện với cầu. Thức ăn có thể bị mắc kẹt ở dưới pontic (nhịp cầu) và gây tích tụ mảng bám quanh đường viền lợi. Cố gắng giữ sạch những vị trí này để phòng tránh các bệnh về lợi, sâu răng, và đặt lịch khám răng định kỳ tại phòng khám.

Ưu điểm và nhược điểm của cầu răng

Ưu điểm

  • Cầu răng có thể khôi phục khả năng ăn nhai đúng cách.
  • Cải thiện nụ cười và giúp cân đối hình dạng gương mặt.
  • Cầu răng có thể giúp các răng còn lại ở nguyên vị trí của nó, tức là, nếu không có cầu răng, các răng khác sẽ dễ dịch chuyển vào khoảng trống.

Nhược điểm

  • Bạn có thể bị khó chịu hoặc đau trong và sau khi thực hiện quy trình.
  • Chi phí đắt đỏ, nhất là nếu bạn có nhiều khoảng trống cần lấp đầy.
  • Cầu răng không duy trì được lâu như trồng răng implant (duy trì vĩnh viễn).

Làm cầu răng giá bao nhiêu?

Loại cầu răng mà bạn nhận được là yếu tố lớn nhất để xác định chi phí. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác góp phần vào chi phí làm cầu răng, bao gồm mức độ kinh nghiệm của bác sĩ, địa điểm phòng khám, số lượng răng cần xử lý, và vị trí của cầu răng.

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây